Khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội

Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2012, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục những khó khăn, thách thức; bám sát tình hình thực tiễn để chủ động ứng phó kịp thời, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2012.

 Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Nhìn lại bức tranh kinh tế tháng 02/2012 cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn những vẫn đạt được những kết quả tích cực, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 chỉ tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cuối năm 2011, thấp hơn nhiều so cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Cùng với đó, lãi suất tín dụng có xu hướng giảm nhẹ, thị trường ngoại hối tương đối ổn định, tỷ giá giao dịch có xu hướng giảm sát với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Đặc biệt, xuất khẩu tăng 24,8% so cùng kỳ năm trước, nhập siêu tương đương 4,1% kim ngạch xuất khẩu, giảm nhiều so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22%; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 27,1%.

An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết, trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm nhiều so cùng kỳ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định… Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân… có bước phát triển.

Tuy nhiên, tình hình vẫn đang nổi lên những khó khăn, thách thức, đó là lạm phát tuy có bước được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao, trong khi giá dầu thế giới tăng cao buộc phải điều chỉnh theo giá thị trường; lãi suất còn cao, tăng trưởng tín dụng giảm, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn, việc tiếp cận vốn còn hạn chế; sản xuất công nghiệp tăng chậm, hàng hóa tồn kho lớn, chi phí đầu vào cao, nhiều cơ sở phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh....

Trước thực tế này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khắc phục những khó khăn, thách thức; bám sát tình hình để chủ động phản ứng chính sách kịp thời, kiên trì mục tiêu đã đề ra, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo; thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng hóa tồn kho; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng hóa, dịch vụ về khu vực nông thôn, đổi mới các kênh thu mua, phân phối; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu; khuyến khích doanh nghiệp hướng vào tăng năng suất lao động và tối ưu hóa chi phí.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp, phân tích và đề xuất biện pháp tháo gỡ, báo cáo Chính phủ.

Chú trọng mục tiêu kiềm chế lạm phát

Trước áp lực lạm phát, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ, điều chỉnh giá điện vừa bảo đảm chủ trương theo cơ chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phương án về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân.

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành điều chỉnh giảm lãi suất tín dụng ngay trong đầu tháng 3/2012 gắn với việc duy trì tăng trưởng tín dụng hợp lý, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và ổn định tỷ giá ngoại tệ; ưu tiên vốn cho các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, chương trình xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân; phát triển chăn nuôi đi đôi với tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, khống chế dịch cúm gia cầm, không để dịch lan rộng; chỉ đạo đẩy mạnh việc thu mua lúa và tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng để thu mua lúa gạo, sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu; xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống cháy rừng, ứng phó thiên tai, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các công trình phòng, chống lụt bão.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội

Trước thực tế đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chủ động, sâu sát nắm tình hình đời sống nhân dân trong kỳ giáp hạt, nhất là đối với các hộ gia đình chính sách, đồng bào nghèo để có biện pháp cứu trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu đói; rà soát tình hình lao động, việc làm để có biện pháp tháo gỡ kịp thời, phấu đấu giảm đình công, nghỉ việc tập thể tại các khu công nghiệp trong năm 2012.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường chăm sóc sức khỏe người dân; đẩy mạnh kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, vận chuyển gia súc, gia cầm; tiếp tục thực hiện, theo dõi và đánh giá các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện kiên quyết và liên tục các biện pháp nhằm giảm tai nạn giao thông trong cả nước; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm theo kế hoạch...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam