Kế hoạch Dân số - Sức khỏe sinh sản tỉnh Ninh Thuận 2011-2015

LTS: Ngày 20-2-2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 298/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch Dân số - Sức khỏe sinh sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015, theo kế hoạch số 290/KH-SYT ngày 10-2-2012 của Ngành Y tế. Báo điện tử Ninh Thuận giới thiệu nội dung kế hoạch nêu trên.

(NTO) Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực hệ thống DS-KHHGĐ/CSSKSS, duy trì mức sinh hợp lý, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cải thiện và giảm sự chênh lệch giữa các vùng, dân tộc về sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Mười một mục tiêu,chỉ tiêu cụ thể: (1) Nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào làm mẹ an toàn, cấp cứu sản khoa, cấp cứu sơ sinh.

+ Tăng số bác sĩ chuyên khoa sản ở các tuyến. Bệnh viện tỉnh có ít nhất 15 bác sĩ sản, các bệnh viện còn lại có ít nhất 2 bác sĩ sản, mỗi Trung tâm Y tế không có bệnh viện có ít nhất 1 bác sĩ sản khoa.

+ Có thêm 1-2 bệnh viện tuyến huyện thực hiện chăm sóc sản khoa toàn diện và có đơn nguyên sơ sinh.

+ 70% Trạm Y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa cơ bản.

+ 60% Trạm Y tế đạt hướng dẫn Quốc gia về số phòng thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

+ 100% cơ sở có triển khai đỡ đẻ được cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu sản khoa và cấp cứu sơ sinh.

+ Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình cô đỡ thôn bản, chuyển tuyến dựa vào cộng đồng tại các xã miền núi.

(2) Duy trì vững chắc mức giảm sinh một cách bền vững để đạt mức sinh thay thế bình quân toàn tỉnh vào năm 2015, đảm bảo quy mô dân số phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

+ Giảm tỷ suất sinh thô hàng năm từ 0,2-0,3‰.

+ Tỷ suất sinh thô đến năm 2015 còn dưới 15‰

+ Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011 – 2015 không quá 1,15%.

+ Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 15% tổng số sinh.

+ Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) giảm xuống còn 1,9 con vào năm 2015.

+ Quy mô dân số trung bình đến năm 2015 đạt 650 nghìn người.

(3) Nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ bệnh, tật, tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi.

+ Giảm tỉ suất tử vong trẻ em < 1 tuổi xuống < 14‰

+ Giảm tỉ suất tử vong trẻ em < 5 tuổi xuống < 19‰

+ Giảm tỉ suất tử vong trẻ sơ sinh xuống < 10‰

+ Giảm tỉ lệ trẻ em < 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân < 18% và thể thấp còi <30%.

+ Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 15%.

+ Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 30%.

(4) Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe bà mẹ.

(5) Kiểm soát mức tăng tỷ số giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh nhỏ hơn 113 vào năm 2015.

(6) Đáp ứng đầy đủ nhu cầu KHHGĐ của nhân dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ của người dân, đặc biệt người dân ở miền núi, vùng khó khăn.

+ Trên 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

+ 100% Trạm Y tế cung cấp dịch vụ đặt vòng tránh thai.

+ 100% phòng khám đa khoa khu vực thực hiện tiêm thuốc tránh thai.

+ 100% Đội CSSKSS thực hiện tiêm thuốc, cấy thuốc tránh thai và phá thai < 7 tuần bằng phương pháp hút chân không

+ Giảm mạnh tình trạng phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn, giảm tỷ số phá thai xuống dưới 9/100 trẻ sinh sống.

(7) Giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, chú trọng sàng lọc ung thư đường sinh sản ở nhóm phụ nữ 30-54 tuổi.

+ Tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản giảm : 5%/ năm

+ Tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục giảm: 2%/năm

+ Tỉ lệ phụ nữ 30-54 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử : 20%

+ Tỉ lệ phụ nữ trên 40 tuổi được sàng lọc ung thư vú : 20%.

+ Tỉ lệ phụ nữ 15-49 tuổi được khám sàng lọc nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục : ≥ 50%

(8) Cải thiện sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên.

+ 70% điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS tại tuyến huyện, thành phố có dịch vụ thân thiện với vị thành niên, thanh niên;

+ Giảm tỷ lệ có thai ngoài ý muốn ở người chưa thành niên <20%.

(9) Cải thiện sức khỏe sinh sản cho các nhóm dân số đặc thù (người di cư, người khuyết tật, người nhiễm HIV, người dân thuộc dân tộc có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi); đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người là nạn nhân của bạo lực vì lý do giới tính và trong trường hợp thảm họa, thiên tai.

+ Tăng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của các nhóm dân số đặc thù lên 20%.

(10) Tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

+ 100% TTYT tuyến huyện, thành phố có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người cao tuổi.

+ Tỷ lệ người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng: 20%.

(11) Nâng cao năng lực quản lý, giám sát, thống kê báo cáo nhất là thống kế báo cáo tình hình tử vong bà mẹ, trẻ em

+ 100% cán bộ làm công tác lập kế hoạch DS-KHHGĐ/CSSKSS được tập huấn phương pháp lập kế hoạch dựa vào bằng chứng và kỹ năng giám sát việc thực hiện kế hoạch.

+ Xây dựng và triển khai thực hiện thường xuyên, có chất lượng quy chế giám sát hoạt động DS-KHHGĐ/CSSKSS tại các tuyến.

+ 100% cán bộ làm công tác thu thập, báo cáo được tập huấn về nghiệp vụ thống kê .

Với 6 giải pháp chủ yếu:

1. Giải pháp về cung ứng dịch vụ DS – SKSS:

- Tăng cường truyền thông vận động KHHGĐ, chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp tại các vùng có tỷ suất sinh cao, vùng biển, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người và các gia đình đã có 2 con, nhất là gia đình đã có 2 con gái.

- Tiếp tục tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản trong cộng đồng. Tập trung vào các nội dung: Khám thai đầy đủ, sinh con tại cơ sở y tế, các dấu hiệu nguy hiểm trước, trong và sau khi sinh và các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh; tập trung vào miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người.

- Tăng cường hoạt động truyền thông cho vị thành niên về KHHGĐ/CSSKSS, chú trọng nhiều hơn đến hậu quả phá thai, bạo hành gia đình và quyền khách hàng.

- Đào tạo nâng cao kiến thức cho người cung cấp dịch vụ, tập trung vào những nội dung còn hạn chế được phát hiện qua điều tra của TTNCDS&SKNT

- Tổ chức cung ứng dịch vụ DS-KHHGĐ/CSSKSS theo nhu cầu của người dân của từng địa bàn.

- Tổ chức các Đội cung cấp dịch vụ của tuyến trên thường xuyên xuống hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện các dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS ở tuyến dưới và từng bước chuyển giao kỹ thuật KHHGĐ/CSSKSS cho tuyến dưới.

- Tổ chức chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ đến vùng khó khăn, vùng ven biển, vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc ít người.

- Tổ chức tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc phát hiện các bệnh bẩm sinh của thai nhi và trẻ sơ sinh.

- Phát triển dịch vụ có chất lượng cao tại Bệnh viện tỉnh; đối với miền núi, vùng khó khăn cần tập trung đầu tư để bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản.

- Khuyến khích tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng cao.

- Tiếp tục hỗ trợ nguồn lực (bổ sung, đào tạo nhân lực, trang thiết bị, giám sát hỗ trợ) để duy trì và mở rộng các dịch vụ đang triển khai nhất là dịch vụ mổ đẻ, truyền máu, các đơn nguyên sơ sinh.

- Duy trì và mở rộng mô hình cô đỡ thôn bản và các nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng: xây dựng Đề án sử dụng cô đỡ thôn bản, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhóm chuyển tuyến để duy trì hoạt động và mở rộng.

2. Giải pháp về phát triển nhân lực DS – SKSS:

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy DS-KHHGĐ/CSSKSS từ tỉnh đến cơ sở.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác DS/SKSS các cấp.

- Có kế hoạch đào tạo, bổ sung bác sĩ chuyên khoa sản cho tuyến tỉnh và huyện.

3. Giải pháp về dược, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ DS – SKSS:

- Nâng cấp, mở rộng và sửa chữa một số Trạm Y tế xã, phường để đủ các phòng chức năng theo qui định của Bộ Y tế.

- Cung cấp đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ và thuốc theo Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ CSSKSS của Bộ Y tế.

4. Giải pháp về tài chính và Đầu tư:

- Ưu tiên phân bổ kinh phí cho các hoạt động DS/SKSS ở miền núi, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao, vùng có đồng bào dân tộc ít người.

- Kiến nghị tăng kinh phí hoạt động cho chương trình Dân số/SKSS, tăng định mức thuốc thiết yếu, vật tư y tế tiêu hao cho dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS, tăng mức hỗ trợ cho nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng, thù lao cộng tác viên dân số, người vận động triệt sản, người triệt sản, chi phí đi lại cho đối tượng chấp nhận triệt sản nhưng không thực hiện được do bệnh lý.

- Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho công tác DS/SKSS, sử dụng hiệu quả kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia.

5. Giải pháp về thông tin DS – SKSS:

- Nâng cao chất lượng thông tin quản lý chuyên ngành DS/SKSS; thiết lập kho thông tin điện tử cấp xã trở lên ngày càng tốt hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ quản lý điều hành, đánh giá tình hình thực hiện công tác DS/SKSS

- Củng cố hệ thống thống kê báo cáo từ tuyến xã đến tỉnh, tăng cường giám sát công tác thống kê báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, báo cáo.

6. Giải pháp về quản lý và quản trị hệ thống DS – SKSS:

- Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Biểu dương kịp thời các nhân tố tích cực đồng thời phê phán, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm chính sách DS - KHHGĐ.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự phối hợp giữa y tế và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác DS-KHHGĐ/CSSKSS. Duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo DS/SKSS các cấp nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc thực hiện công tác DS - KHHGĐ/CSSKSS.

- Đẩy mạnh việc đưa chính sách DS/SKSS vào hương ước, quy ước thôn, làng; xây dựng phong trào thôn, làng, tổ dân phố không có người sinh con thứ ba trở lên.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động chẩn đoán giới tính thai nhi.

- Tập huấn nâng cao năng lực lập kế hoạch cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác lập kế hoạch DS/SKSS cho các tuyến.

- Tăng cường giám sát chất lượng dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật về DS/SKSS, chú ý dịch vụ khám thai, cấp cứu sản khoa và sơ sinh.

Chia thành 2 giai đoạn thực hiện;

- Giai đoạn 2011 – 2012:

+ Kiện toàn mạng lưới DS-KHHGĐ/CSSKSS

+ Triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ DS-KHHGD và CSSKSS.

+ Đầu tư nâng cấp các trạm y tế.

+ Tiếp tục thực hiện thí điểm các mô hình can thiệp.

- Giai đoạn 2013 – 2015:

+ Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tuyến.

+ Nhân rộng các mô hình can thiệp trên toàn tỉnh.

- Các hoạt động khác thực hiện thường xuyên, liên tục.

Kinh phí thực hiện:

- Tổng kinh phí : 53.484 triệu đồng

Trong đó:

+ Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình : 43.579 triệu đồng

+ Công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản : 9.905 triệu đồng

- Nguồn kinh phí:

+ Chương trình mục tiêu quốc gia : 50.069 triệu đồng

+ Ngân sách địa phương : 3.415 triệu đồng