Đẩy mạnh sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn Viet GAP

Định hướng xuất khẩu đã mang lại đời sống ấm no cho các hộ trồng cây thanh long. Tuy nhiên, để vượt qua rào cản kỹ thuật các nước nhập khẩu đặt ra, không có con đường nào khác là phải phát triển cây thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, EurepGAP và GlobalGAP.

 

Ảnh minh họa

Ngày 9/3, Công ty cổ phần Giám định và khử trùng FCC đã trao giấy chứng nhận VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) cho Tổ hợp tác sản xuất thanh long Chợ Gạo, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

Tổ hợp tác sản xuất thanh long Chợ Gạo đã tham gia mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, dưới sự hướng dẫn của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, thu hút được 21 hộ nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 19,74ha, sản lượng hàng năm 582,7 tấn; đã được Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (Cục Bảo vệ thực vật) cấp mã số xuất khẩu thanh long sang thị trường Mỹ.

Thanh long được xác định là 1 trong 7 chủng loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang, đồng thời đang tiếp tục được đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng và vị thế trên thị trường. Tiền Giang hiện có hơn 2.500ha thanh long, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Chợ Gạo, cho năng suất trên 40 tấn/ha/năm. Tỉnh Tiền Giang đang triển khai đề án mở rộng vùng chuyên canh thanh long lên 5.000ha vào năm 2015.

Tại tỉnh Bình Thuận, nơi được coi là thủ phủ của thanh long Việt Nam, đến nay, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã có 202 tổ hợp tác và hơn 5.212 hộ sản xuất thanh long được cấp chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cuối năm 2011, đã đưa diện tích sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGAP lên 7.000 ha. Song song đó, định hướng của UBND tỉnh trong thời gian tới phải ưu tiên, dồn sức, tập trung phát triển thanh long theo hướng an toàn VietGAP để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 100% diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, Trưởng Bộ môn kỹ thuật canh tác (Viện Cây ăn quả miền Nam), việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có ý nghĩa quan trọng, nhất là làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Bởi ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, bà con còn được huấn luyện ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm đối với sản phẩm mình sản xuất.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trái thanh long Việt Nam hiện đã có mặt trên khoảng 35 nước trên thế giới. Đặc biệt, tại châu Á, trái thanh long Việt Nam chiếm lĩnh gần như toàn thị trường Trung Quốc. Và ở thị trường EU, cũng đã chiếm gần 40% thị phần. Loại trái này cũng đang chinh phục những thị trường khó tính khác như Nhật, Mỹ...

Nguồn chinhphu.vn