Tìm hiểu bản sắc trang phục các dân tộc Việt Nam

Bắt đầu từ mục đích che chắn bảo vệ cơ thể người trước những bất lợi của thiên nhiên thời tiết và những bất tiện do đồng loại gây ra. Trang phục đã từng bước đạt đến độ lưỡng tiến, vừa che chắn vừa làm đẹp cho con người, vừa có giá trị vật thể và phi vật thể trở thành di sản văn hóa

Trang phục là một trong những giá trị văn hóa giúp ta dễ dàng phân biệt sắc thái giữa các vùng miền trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Họa tiết hoa văn độc đáo trên váy của dân tộc Mông.

Theo từng điều kiện thiên nhiên và xã hội; mỗi dân tộc hình thành vùng nguyên liệu, chất liệu khác nhau để có những quy trình sản xuất khác nhau tạo ra sự khác nhau trong trang phục của con người. Cũng từ sự khác biệt đó, mỗi dân tộc có hình thức dệt nhuộm, may thêu, trang trí riêng, hình thành tâm lý sử dụng, truyền thống thẩm mỹ riêng với trang phục của mình.

Ngay trong một cộng đồng dân tộc cũng đã hình thành những quy ước riêng về mặc phù hợp với vị trí xã hội, lứa tuổi, giới tính với hoàn cảnh cụ thể khi giao tiếp, ứng xử trong đó có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng và nghề nghiệp. Trang phục trở thành yếu tố nổi trội dễ nhận biết nhất của văn hóa, bản sắc dân tộc, đặc điểm của dân cư, của vùng miền cư trú.

Trang phục cư dân Việt – Mường phù hợp với vùng châu thổ, duyên hải, thung lũng núi. Trang phục hệ ngôn ngữ Tày – Thái gần với đời sống đồng bào cư trú ở đầu sông, ngọn suối và triền sông Tây Bắc – Đông Bắc. Nhóm cư dân Mông – Dao có trang phục phù hợp với đời sống trên các sườn non đỉnh núi ở phía Bắc. Trang phục đồng bào Tạng – Miến rất thích ứng với cuộc sống ở vùng cao, biên giới phía Bắc và Tây Bắc. Đồng bào hệ ngôn ngữ Nam Đảo – Nam Á – Môn Khmer lại có trang phục mang sắc thái Trường Sơn – Tây Nguyên - Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ.

Những hoa văn trên mặt trống đồng, tượng đồng, đồ gốm thời Hùng Vương chỉ cho ta thấy nhiều điều về văn hóa trang phục thời dựng nước. So sánh với các trang phục thiểu số hiện nay ta dễ dàng nhận ra ở đó vẫn còn lưu giữ những dấu ấn trang phục cổ truyền từ thời đại của Vua Hùng.

Mấy ngàn năm qua, các trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam vẫn giữ được cốt cách và dấu ấn xa xưa nhưng cũng đã có những biến đổi không ngừng. Đó là sự hình thành và phát đạt nghề trồng bông kéo sợi, dệt vải, nhuộm vải, nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén, dệt lụa. Bước phát triển nghề này đã đưa nghề tầm tang canh gửi bỏ xa hoàn toàn sự lệ thuộc vào thiên nhiên con người săn bắt hái lượm, sử dụng vỏ cây, lá cây, lông chim, da thú làm chất liệu mặc để che thân.

Từ thế kỉ XX đến nay, diện mạo trang phục các dân tộc Việt Nam về cơ bản được khẳng định, từng bước hoàn chỉnh hơn vào giai đoạn cách tân, biến đổi. Việt Nam hội tụ được các giá trị văn hóa trang phục Đông – Tây, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố phù hợp làm giàu đẹp và phong phú thêm văn hóa trang phục của đất nước mình, dân tộc mình. Ngành thời trang ra đời và liên tiếp có các cuộc hành trình diễn trang phục dân tộc bổ ích, hấp dẫn, tôn vinh, bản sắc văn hóa mặc Việt Nam.

Sắc màu trang phục truyền thống tại Cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam.
Ảnh: Phương Linh

Trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam thực sự là di sản văn hóa có giá trị cần phải được coi trọng, bảo tồn. Giá trị văn hóa dân tộc rất phong phú về mẫu mã, chủng loại, hình khối, màu sắc, đường nét và rất hàm xúc về biểu tượng có giá trị nhân văn các giá trị về phong tục, ăn ở, trang phục, tập quán, kỹ thuật canh tác, chế tác nguyên liệu dệt nhuộm, kỹ thuật cắt may thêu, trang trí hoa văn họa tiết, bố cục đường nét màu sắc hình khối trên vải, trên trang phục là kết tinh tích tụ của những tri thức dân gian bản địa độc đáo.

Văn hóa trang phục không những hình thành nghề tầm tang canh cửi mà còn hình thành những phong tục tốt đẹp trong các cộng đồng và trong đời sống của gia đình, dòng họ dòng tộc.

Trang phục dân tộc là công trình nghệ thuật tài hoa về mỹ thuật, hội họa sử dụng màu sắc. Chàm là màu độc tôn của những người dân tộc cư trú ở vùng núi và cao nguyên. Nâu là màu chủ đạo của những người sống ở đồng bằng, duyên hải. Càng về Phương Nam, màu sắc lại chuyển hóa thành màu đen. Màu sáng là màu của cư dân có nguồn gốc đến từ Nam Đảo – Nam Á – Môn Khmer.

Nghệ thuật trang trí bằng đường nét và màu sắc của trang phục dân tộc đạt đến độ chuẩn mực khá cao. Bốn loại hoa văn, hội họa, hoa văn hình người, hoa văn động vật, hoa văn thực vật được bộc lộ hài hòa độc đáo, ấn tượng. Bố cục và đường nét hoa văn đó đã trở thành những thông điệp về thế giới quan, nhân sinh quan, vũ trụ quan về óc thẩm mỹ, sự sáng tạo và tài hoa của con người đã sản sinh ra trang phục của dân tộc. Đó chính là những di sản văn hóa quý giá mà ngày nay và các thế hệ mai sau không được phép mai một, lãng quên và thất truyền trong thời mở cửa hội nhập và hiện đại hóa.

Ngày nay con người có quyền mặc theo sở thích và mẫu mốt đang được thịnh hành, nhưng sở thích và mẫu mốt đó không thể tách rời những chuẩn mực của thời đại và những tinh hoa của truyền thống. Trang phục bắt nguồn từ truyền thống, đồng thời lại là một sản phẩm của thời đại, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố dân tộc và cách tân, nhu cầu thực tiễn và trình độ thẩm mỹ.

Việc bảo tồn giá trị văn hóa trang phục là quan trọng, cần thiết nhưng không có nghĩa là duy trì mãi cái cũ, lỗi thời không phù hợp, không chịu tiếp thu có chọn lọc cái mới, cái tốt, cái hợp lý, cái đang được phổ biến đi vào cuộc sống, được đồng bào chấp nhận. Mong rằng văn hóa trang phục các dân tộc sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy cùng với sự phát triển để vẫn giữ được bản sắc vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội.

Nguồn langvietonline.vn