Quy hoạch lễ hội: Việc cần làm ngay

Sau mỗi mùa lễ hội diễn ra, việc quy hoạch lễ hội (QHLH) lại được đặt ra, như một yêu cầu bức thiết để đưa công tác quản lý, tổ chức LH vào nền nếp.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1185/VPCP-KGVC truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc quản lý, tổ chức LH. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH,TT&DL xây dựng và ban hành QH tổng thể LH vào quý III năm nay. Đó là tín hiệu đáng mừng bởi công tác QHLH đã được các cơ quan hữu quan khởi động từ nhiều năm nay, đến giờ chưa rõ kết quả.

Việt Nam có gần 8.000 lễ hội, qua nhiều năm công tác quản lý vẫn còn bất cập.
Ảnh: Bá Hoạt

Mục tiêu gần mà đích lại xa

Nhìn vào bức tranh LH còn gam màu tối như hiện nay, bất cứ ai cũng nhận thấy sự cần thiết phải QHLH, có điều đáng tiếc là phần việc này vẫn chưa được các ngành chức năng thực sự vào cuộc một cách quyết liệt.

Còn nhớ năm 2010, khi mùa LH năm Canh Dần kết thúc, Bộ VH,TT&DL và Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay - Thực trạng và giải pháp" để mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến sự biến tướng của LH, những hạn chế trong việc thực hiện phân cấp quản lý và tổ chức, đồng thời tìm giải pháp khắc phục. Tại hội thảo này, các nhà quản lý đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến sự bất cập của LH, mà quan trọng nhất là sự chồng chéo trong việc quản lý di tích gắn với LH, xu hướng muốn nâng cấp LH cho hoành tráng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, nhận thức về LH của nhân dân còn hạn chế… Giải pháp chung được đưa ra là tiến hành kiểm kê khoa học, phân loại, đánh giá một cách nghiêm túc giá trị các LH, trên cơ sở đó lựa chọn, phục hồi, phân cấp và xây dựng QHLH để phục vụ công tác quản lý.

Sau lần ấy, dư luận đã hy vọng những điều chướng tai gai mắt sẽ được khắc phục rõ ràng vào mùa xuân hội Tân Mão 2011, nhưng rồi đã phải thất vọng bởi mặt trái của LH xuân Tân Mão vẫn tồn tại, khiến một lần nữa Bộ VH,TT&DL phải "kê đơn" trị "bệnh", tập trung vào giải pháp QHLH. Ngày 5-4-2011, Bộ VH,TT&DL có Quyết định số 1138/QĐ-BVHTTDL giao cho Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan hoàn thành xây dựng QHLH trên toàn quốc trong quý IV-2011.

Thế rồi, khi năm 2011 đi qua, mùa xuân hội Nhâm Thìn 2012 cũng dần khép lại nhưng việc QHLH vẫn nằm trên giấy, khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, rằng cứ đà này thì liệu ngành văn hóa có thể xây dựng và ban hành QH tổng thể LH vào quý III năm nay như yêu cầu của Chính phủ hay không?

Kiểm kê để quy hoạch

LH cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác, muốn xây dựng chiến lược quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị thì trước hết phải tiến hành kiểm kê. Cần phải biết trong tay mình có những gì, giá trị ra sao, đang được thực hiện như thế nào?… Biết rõ rồi thì mới có thể hình thành đường hướng bảo tồn, có cách thức tổ chức phù hợp nhằm phát huy giá trị của từng LH trong đời sống xã hội.

Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý di sản, TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho biết: Công ước quốc tế của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng đề cập đến việc bảo vệ các giá trị LH bằng cách kiểm kê, thông qua đó nhận diện giá trị một cách chính xác. Cách thức là cử những chuyên gia giỏi xuống làm việc tại cộng đồng, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm nhằm giúp họ nhận ra đâu là giá trị đích thực của LH địa phương mình. Trong những chuyến khảo sát thực tế, các nhà chuyên môn phân tích để cộng đồng hiểu họ có vai trò quan trọng như thế nào đối với LH và để thực hành tốt LH thì cộng đồng phải làm gì. Mục tiêu quan trọng không chỉ là khảo sát, đánh giá LH, mà còn là truyền tải thông điệp rõ ràng rằng LH là của cộng đồng, có thể mang lại lợi ích cho họ nếu được phát huy giá trị đầy đủ. Khi cộng đồng ý thức được điều đó, công tác bảo tồn giá trị truyền thống sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Theo TS. Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, người từng tham gia nghiên cứu và phục dựng nhiều LH truyền thống thì việc QHLH phải bắt đầu bằng thống kê và phân loại toàn bộ những LH hiện có. "Thông thường, theo yêu cầu của cơ sở, chúng tôi tự xây dựng bộ bảng biểu thống kê bằng phương pháp định lượng. Việc đánh giá mỗi LH được thực hiện dựa trên những bảng hỏi và số liệu. Ví dụ như về yếu tố vật thể, điều tra viên có thể tìm hiểu về kiến trúc, xác định thần phả, sắc phong, cờ quạt, võng lọng... liên quan trực tiếp đến LH có còn được lưu giữ hay không. Về mặt phi vật thể, cần điều tra tại địa phương để biết họ còn giữ được tới mức nào những tục hèm, giao yết, đại tế, lễ rước, trò chơi dân gian hay các diễn xướng liên quan tới sự tích thờ cúng... Sau khi hoàn thành, các câu hỏi trên được mã hóa để thống kê, xếp loại. Dựa vào số liệu, những lễ hội nào rõ tính phong phú, đa dạng thì được xếp loại đặc biệt, rồi mới đến những loại A, B, lễ hội xếp loại C thì có nghĩa nó gần như mất hẳn", TS. Bùi Quang Thắng nói.

Việc phân loại giúp các chuyên gia và nhà quản lý biết những LH nào có tầm ảnh hưởng cấp vùng, cấp tỉnh hay chỉ giới hạn trong phạm vi cộng đồng làng, từ đó đề ra cách quản lý, tổ chức phù hợp. Cũng theo quan điểm của TS. Bùi Quang Thắng, Nhà nước chỉ nên trực tiếp quản lý những LH lớn, LH cấp vùng, còn cấp tỉnh hoặc làng thì nên giao lại cho địa phương. Với sự tư vấn của các cơ quan văn hóa, các địa phương sẽ quyết định việc xây dựng phương thức quản lý cho mỗi LH.

Việt Nam có gần 8.000 LH. Từng ấy thứ, nếu không khéo gom lại trong một tổng thể chặt chẽ, rõ định hướng quản lý, tổ chức, rõ ưu tiên bảo tồn thì không những khó phát huy giá trị đầy đủ, mà còn phải đối mặt với nguy cơ LH biến tướng hoặc mai một dần vì xa rời đời sống cộng đồng. Bởi thế, cần phải nói lại rằng QHLH là việc cần làm ngay.

Nguồn Báo Hànộimới