Phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu

Bệnh não mô cầu là bệnh truyền nhiễm gây thành dịch, có tỉ lệ mắc, di chứng và tử vong cao. Bệnh lây qua đường hô hấp do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra. Vi khuẩn xâm nhập qua đường hô hấp vùng mũi họng, rồi đi vào máu gây nhiễm trùng huyết; từ đường máu, vi khuẩn đến màng não gây viêm màng não mũ hoặc đến các tạng gây nhiều tổn thương khác.

(NTO) Bệnh thường xảy ra vào mùa đông – xuân, thời tiết lạnh, nhiều người thường mắc các bệnh đường hô hấp trên là điều kiện thuận lợi để phát bệnh. Tuổi mắc bệnh thường từ trên 6 tháng đến khoảng 25 tuổi, tuổi càng nhỏ tỉ lệ mắc bệnh càng cao. Những nơi có mật độ tập trung người đông, như vùng thành thị, các doanh trại, khu lao động tập trung, ký túc xá, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo… dễ mắc bệnh và phát thành dịch. Nơi ở chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu thông thoáng, dinh dưỡng thiếu cũng là điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển.

Viêm màng não là bệnh khá nguy hiểm mà dấu hiệu thì rất đơn giản như sốt, nôn...

Dấu hiệu mắc bệnh:

Bệnh thường diễn tiến theo các giai đoạn sau:

a. Giai đoạn viêm đường hô hấp trên: thường thoáng qua, bệnh nhân chỉ đau họng, sổ mũi nhẹ, ho nhẹ;

b. Giai đoạn nhiễm trùng huyết: Khoảng 90 – 95% bệnh nhân mắc bệnh não mô cầu có nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân đột ngột sốt cao 39 – 40oC, lạnh run nhiều lần, đau đầu, nôn ói, đau các khớp, đau cơ mỏi toàn thân, bệnh nhân thường suy sụp nhanh.

Khi thăm khám phát hiện tử ban rất đặc trưng xuất hiện ở khoảng 75% ca bệnh sau 1 – 2 ngày. Tử ban là các chấm máu khu trú trong trung tâm các dát màu sáng, màu đỏ hoặc tím thẫm, có thể kết thành mảng đường kính 1 – 2 mm đến vài centimet, bờ nhăn nheo, mặt phẳng, có khi có hoại tử trung tâm. Nhiều mảng tử ban kết hợp tạo thành mảng lớn, bờ lồi lõm không đều giống như hình bản đồ, rất đặc trưng. Có thể có xuất huyết dưới kết mạc mắt. Tử ban thường xuất hiện ở nách, hông, mạn sườn, cổ tay, khủyu, đùi và cẳng chân.

Nếu tử ban xuất hiện sớm, nhiều, lan rộng nhanh là có nguy cơ chuyển sang thể nhiễm trùng huyết não mô cầu tối cấp. Lúc này vi khuẩn N.M. lan tràn trong dòng máu làm viêm, tắc mạch máu nhỏ, gây tổn thương các cơ quan, tổ chức, đồng thời vi khuẩn tiết nội độc tố làm tổn thương hệ hô hấp và suy sụp tuần hoàn, xuất huyết nhiều nơi và sốc nặng. Dù có điều trị tích cực 40 – 60% bệnh nhân cũng sẽ bị tử vong và những người sống sót sẽ bị mảng mục (loét rộng) ở da và/hoặc bị hoại tử các ngón.

c. Giai đoạn viêm màng não: có khoảng dưới 30% bệnh nhân có nhiễm trùng huyết có thể bị viêm màng não. Thường xuất hiện ở trẻ 6 tháng đến 10 tuổi. Sốt, nôn, nhức đầu, lú lẫn và ngủ lịm là những triệu chứng thường gặp. Ngoài ra, màng não cầu khuẩn còn có thể gây ra các bệnh khác như viêm mủ kết mạc mắt, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim có mủ, viêm khớp mủ. Nếu được điều trị đúng và kịp thời, sau viêm màng não có khoảng 5% trường di chứng là điếc, động kinh.

Điều trị: Tất cả bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh não mô cầu đều phải được điều trị cách ly ở bệnh viện.

Phòng bệnh

+ Thường xuyên súc miệng nhiều lần hàng ngày bằng nước muối hay dung dịch sát khuẩn;

+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày;

+ Nếu có điều kiện nên đến Trung tâm Y tế Dự phòng để được tư vấn và tiêm vac-xin phòng bệnh não mô cầu cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.

+ Khi thấy sốt, đau đầu, đau mình kèm theo phát ban cần đến ngay cơ sở y tế để khám chữa bệnh và được hướng dẫn cụ thể;

+ Nhà trường nếu phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau mình kèm theo phát ban cần cách ly trẻ và thông báo ngay cho gia đình biết để đưa trẻ đi khám bệnh;

+ Bệnh nhân cần được điều trị cách ly tại bệnh viện. Những người trong gia đình có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh não mô cầu cần uống thuốc phòng và thực hiện phòng lây nhiễm đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.