Những lưu ý khi đi máy bay

Thời gian gần đây trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng máy bay nổi lên một số trường hợp mất an ninh, an toàn hàng không.

Việc đó vừa gây ra tổn thất cho hãng hàng không, vừa gây rắc rối, phiền toái cho hành khách. Thực tế cho thấy, có khá nhiều người đi máy bay nhưng hiểu biết rất ít về những quy định khá nghiêm ngặt của loại hình vận tải này. Vì vậy, phóng viên VTV đã gặp ông Lưu Văn Đoan, Trưởng phòng pháp chế, Hợp tác quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam để trao đổi về một số thông tin về vấn đề này.

 Ảnh minh họa

Thưa ông ông Lưu Văn Đoan, xin ông cho biết vắn tắt những quyền cơ bản của hành khách khi đi máy bay? 

Theo quy định, hành khách có các quyền sau đây: 

1. Được thông báo bằng văn bản về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển áp dụng đối với trường hợp hành khách bị chết, bị thương, hành lý bị hư hỏng, mất và vận chuyển chậm. 

2. Trong trường hợp hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển, hành khách có quyền yêu cầu người vận chuyển thu xếp hành trình phù hợp hoặc hoàn trả lại tiền phần vé chưa sử dụng; được bồi thường bằng tiền, dịch vụ hoặc lợi ích vật chất khác. 

3. Trong các trường hợp không được vận chuyển do lỗi của hành khách thì hành khách được nhận lại tiền vé hoặc số tiền tương ứng của phần vé chưa sử dụng, sau khi đã trừ phí và tiền phạt được ghi trong Điều lệ vận chuyển.

4. Từ chối chuyến bay; nếu đang trong hành trình, hành khách có quyền từ chối bay tiếp tại bất kỳ cảng hàng không, sân bay hoặc nơi hạ cánh bắt buộc nào và có quyền nhận lại tiền vé hoặc số tiền tương ứng của phần vé chưa sử dụng, sau khi đã trừ phí và tiền phạt được ghi trong Điều lệ vận chuyển. 

5. Được miễn cước vận chuyển hành lý với mức tối thiểu được ghi trong Điều lệ vận chuyển. Thông thường là 20kg hành lý ký gửi và 7kg hành lý xách tay đối với vé hạng thường. Quá trọng lượng này hành khách sẽ phải trả thêm phí. 

6. Trẻ em dưới mười hai tuổi đi tàu bay được miễn, giảm cước vận chuyển với mức ghi trong Điều lệ vận chuyển. 

Trẻ em từ 2 tuổi đến dưới 12 tuổi được bố trí chỗ ngồi riêng; trẻ em dưới 2 tuổi không có chỗ ngồi riêng và phải có người lớn đi cùng. 

Ông vừa nhắc đến một số vấn đề liên quan đến Điều lệ vận chuyển. Vậy hành khách muốn xem điều lệ vận chuyển thì có thể xem ở đâu thưa ông? 

Điều lệ vận chuyển là tài liệu khá lớn, được đăng đầy đủ và công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của các hãng hàng không. Hành khách có thể truy cập vào đây để tìm hiểu. Tuy nhiên một số quy định thông dụng sẽ được ghi ngay trên văn bản xác nhận vé cho hành khách, được các phòng vé phổ biến khi bán vé hoặc ngay tại quầy thủ tục của các hãng tại sân bay. 

Khi hành khách không được đảm bảo các quyền của mình, họ có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? 

Về vấn đề này, tôi xin lưu ý rằng: Vé hành khách và thẻ hành lý là những bằng chứng đóng vai trò quan trọng để hành khách có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Để bảo vệ quyền lợi của mình, hành khách có thể: 

1. Thông báo với hãng hàng không việc mình chưa được bảo đảm các quyền lợi theo quy định; 

2. Nếu có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra: 

- Đầu tiên nên thương lượng, hòa giải để cùng khắc phục; 

- Trong trường hợp hòa giải, thương lượng không đạt được kết quả như mong muốn, hành khách có thể khởi kiện ra Tòa hoặc khiếu nại tới Cơ quan quản lý nhà nước về hàng không để giải quyết.

 Quyền bao giờ cũng đi kèm với nghĩa vụ - Nghĩa vụ của hành khách khi đi tàu bay bao gồm những gì? 

Nghĩa vụ của hành khách là: 

1. Thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không. 

2. Thực hiện theo sự chỉ dẫn của người vận chuyển trong quá trình vận chuyển. 

3. Bồi thường thiệt hại khi hành khách có lỗi gây ra thiệt hại cho người vận chuyển, người khai thác tàu bay. 

Khi hành khách không thực hiện nghĩa vụ của mình, những chế tài như thế nào sẽ được dành cho họ thưa ông? 

Khi hành khách không thực hiện nghĩa vụ của mình, các loại chế tài có thể được áp dụng, đó là: 

1. Chế tài hành chính: chế tài này được cơ quan quản lý nhà nước áp dụng đối với hành khách vi phạm hành chính: 

- Chế tài này có 02 hình thức xử phạt chính: cảnh cáo và phạt tiền 

- Hình thức phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính 

- Ngoài ra, hành khách có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: 

+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu 

+ Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; 

+ Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; 

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại; 

+ Bị cấm vận chuyển thương mại bằng đường hàng không đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt. 

2. Chế tài dân sự: 

- Buộc chấm dứt hành vi dân sự; 

- Buộc xin lỗi; cải chính công khai; 

- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

- Phạt vi phạm; bồi thường các thiệt hại đã xảy ra. 

Các chế tài này sẽ do Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng. 

3. Chế tài hình sự: Có thể khẳng định rằng, đây là chế tài nặng nhất được áp dụng đối với người phạm tội. Tùy vào các tội danh cụ thể sẽ có các hình phạt tương ứng được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự của Việt Nam. 

Xin cảm ơn ông.

Nguồn VTV.VN