Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số; được thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi ốm đau...

Đây là một trong những chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại Thông tư liên tịch do Bộ Tài chính và Ủy ban dân tộc mới ban hành.

Cụ thể, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và được khen thưởng.

 
Ảnh minh họa.

Trong đó, về cung cấp thông tin, định kỳ hoặc đột xuất, người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú phổ biến, cung cấp thông tin về các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Thăm quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh và được cấp một số tờ báo.

Về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, Thông tư nêu rõ, người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số, mức chi không quá 400.000 đồng/người/năm. Đồng thời, thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi người có uy tín ốm đau cũng với mức chi không quá 400.000 đồng/người/năm.

Thăm hỏi các gia đình người có uy tín gặp khó khăn, bố, mẹ, vợ, chồng, con chết do hậu quả thiên tai. Cụ thể, đối với cơ quan Trung ương: Mức chi không quá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm; Cơ quan cấp tỉnh: Mức chi không quá 1.000.000 đồng/hộ gia đình/năm; Cơ quan cấp huyện: Mức chi không quá 500.000 đồng/hộ gia đình/năm.

Người có uy tín tham gia đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội tại địa phương mà bị thương hoặc hy sinh được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận là thương binh hoặc liệt sỹ và được hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về chế độ khen thưởng, người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự được xét khen thưởng.

Trường hợp cùng thời điểm mà người có uy tín được hưởng các chính sách, chế độ hỗ trợ giống nhau nhưng với các mức khác nhau thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 30/1/2012. Các chế độ quy định tại Thông tư liên tịch này được tính hưởng kể từ ngày 16/5/2011.

Theo quy định tại Quyết định 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm các điều kiện sau:

Là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú ở vùng dân tộc thiểu số;

Được nhân dân nơi cư trú bầu chọn là người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú;

Được chính quyền xã xác nhận là người có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn (thôn, làng, bản, buôn, phum, sóc), xã, địa phương nơi cư trú;

Được Hội nghị dân cư và liên ngành thôn (Chi ủy, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn) bầu chọn; Ủy ban nhân dân xã duyệt công nhận.

Người có uy tín được xét công nhận một năm một lần; mỗi thôn được bầu chọn 1 (một) người có uy tín.
Nguồn www.chinhphu.vn