Lần đầu phục dựng phiên chợ Tết Huế xưa

Tối 15/1/2012, lần đầu tiên kể từ năm 1945, phiên chợ Gia Lạc - phiên chợ Tết Huế xưa, được phục dựng tại Việt Nam.

Chợ Tết Gia Lạc, phiên chợ nhân văn mang màu sắc xuân có từ gần 200 năm trước ở Huế đã được tái hiện trên tầng thượng tòa nhà Sailing, TP.HCM vào những ngày giáp Tết Nhâm Thìn. GS.TS Trần Văn Khê, bà Tôn Nữ Thị Ninh, cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân... đã đến tham dự phiên chợ độc đáo này.

Lối vào phiên chợ Gia Lạc

Hai bé gái thích thú với những đôi guốc nhỏ xinh

Đến phiên chợ, khách được thưởng thức những món ăn Huế ngon và lạ từ ngoài dân gian lẫn trong cung phủ nấu theo lối cổ truyền như bánh ướt thịt bê xáo, bánh kê dùng với gà nướng lá chanh, bánh nậm gói lá dung, xôi đường nổi tiếng của làng cổ Phước Yên, mứt cam sành...

Dạo phiên chợ còn để trở về ký ức thiếu thời với những món đồ chơi như con tu huýt làm từ đất nung của làng cổ Phước Tích, con vo vo, con lung tung ngũ sắc. Đó còn là những đôi guốc gỗ trẻ con nhỏ xíu, cái dao cau, khúc xơ mướp để tắm, cái lược chải chí (chấy) mà ngày nay gần như biến mất.

Những vật phẩm như lược chải chí, xơ mướp để tắm nay đã dần biến mất

Một phụ nữ đang hỏi mua phong bao lì xì

Đặc biệt, đây là dịp hiếm có để những người hoài cổ đắm mình trong những vật phẩm văn hóa Huế đang dần tiến đến nguy cơ bị xóa sổ như hoa giấy Thanh Tiên, bông đũa ngũ sắc, trướng liễn làng Chuồn, tranh giấy làng Sình...

Những trò chơi dân gian cũng được nghệ sĩ Đức Tâm cùng nhiều nghệ sĩ khác điều khiển với tiếng rao bài chòi, tiếng hò bài tới vui tươi dí dỏm, hội xăm hường, bầu cua tôm cá náo nhiệt đậm không khí xuân.

GS.TS Trần Văn Khê tham quan khu trưng bày tại phiên chợ

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, Lê Thành Ân chụp ảnh cho phu nhân

GS.TS Trần Văn Khê nói: "Chợ phiên ngày Tết hội tụ các yếu tố đặc thù của văn hóa Việt Nam. Chợ phiên Gia Lạc chứa đựng không gian Tết Huế xưa, văn hóa, ẩm thực, con người xứ Huế. Tiếc rằng, chợ Gia Lạc đã bị chìm trong quên lãng từ sau năm 1945".

Phiên chợ Tết Gia Lạc được hoàng tử Nguyễn Phúc Bính (Định Viễn quận vương), con vua Gia Long, khởi xướng, chỉ diễn ra trong những ngày Tết cổ truyền. Phiên chợ lần đầu tiên được tổ chức tại khu đất trước phủ của Định Viễn quận vương, trên đường qua thôn Vỹ Dạ đến ngã ba làng Nam Phổ. Thời kỳ đầu, chợ chỉ dành cho những ông hoàng, bà chúa thân thuộc trong phủ, sau dần mở rộng cho dân chúng tham gia chung vui.

Một mâm bánh mứt đặc thù xứ Huế

Không chỉ ngon, món Huế còn bắt mắt, trang nhã

Gia lạc có nghĩa là thêm vui. Đến với chợ Gia Lạc không phải để sát phạt giành mối, mua bán ra trò như những phiên chợ thông thường. Đến Gia Lạc ngày xuân, ai nấy đều ăn mặc đẹp, lòng vui như xuân và ngấm ngầm thi đua lễ độ, tao nhã với nhau.

Đây là lần đầu tiên phiên chợ Gia Lạc được phục dựng tại Việt Nam, do nghệ nhân người Huế Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện. Trước đó, phiên chợ này từng được bà Hoàng Anh tái hiện vào năm 2002 tại khuôn viên trường đại học dân lập Munchuen, Đức, và một lần tại Le LieuUnique, Pháp.

Kéo dài đến 16/2, phiên chợ Tết Huế là điểm đến thú vị ngày xuân ở TP.HCM

Lần thứ 3 phiên chợ Gia Lạc được phục dựng, nhưng là lần đầu ở VN

Nghệ nhân Hoàng Anh chia sẻ: "Phiên chợ Gia Lạc đầy tính nhân văn mà nay chỉ còn trong sử sách. Việc chúng tôi được hỗ trợ để phục dựng lại phiên chợ là điều đáng trân trọng trong nỗ lực bảo tồn văn hóa di sản dân tộc giữa thời đại toàn cầu hóa này".

Nguồn VietNamNet