Kiểm soát vốn vay liên ngân hàng

Thông thường dịp cuối năm, thị trường liên NH (thị trường 2) sẽ hoạt động sôi động khi nhu cầu tiền mặt của khách hàng tăng cao ảnh hưởng đến thanh khoản của các NHTM. Tuy nhiên, hiện dòng vốn trên thị trường 2 có dấu hiệu nghẽn khi nhiều NHTM lớn có vốn nhưng không dám bơm qua thị trường này.

Cho vay không quá 50% tài sản thế chấp

Lãi suất bình quân liên NH tháng 12 tăng hầu hết các kỳ hạn, trong đó mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường này đã vượt xa trần lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi (thị trường 1). Một lãnh đạo của GiadinhBank cho biết lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm trung bình 14,5-15,5%/năm, các kỳ hạn 1-2 tuần 17-18%/năm, đặc biệt các kỳ hạn 3 tuần đến 1 tháng lên đến 18,5-20%/năm.

Cần giám sát chặt chẽ nguồn vốn vay trên liên NH. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Hiện nay khối lượng tiền trong lưu thông M2 bao gồm tiền mặt và tiền gửi NH đều giảm, điều này làm hệ số nhân tiền tệ giảm sút nghiêm trọng, vòng quay tiền chậm, dẫn đến thanh khoản các NHTM căng thẳng. Để giải quyết thanh khoản cho các NHTM, NHNN cần hỗ trợ vốn qua thị trường mở đồng thời điều hành lãi suất huy động theo hướng giảm dần.
                                                            PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Tuy nhiên, từ đầu tháng 12 đến nay, NHNN liên tiếp bơm ròng hàng ngàn tỷ đồng trên thị trường mở, đặc biệt từ ngày 5 đến 9-12 là tuần bơm ròng cao nhất kể từ tháng 10 đến nay.

Theo vị lãnh đạo này, dù vốn trên liên NH không thiếu, nhưng các NHTM lớn khi cho vay yêu cầu các NHTM nhỏ phải có tài sản thế chấp có tính thanh khoản cao như vàng, ngoại tệ (không nhận thế chấp bằng trái phiếu dù là trái phiếu của chính NH cho vay phát hành) và khi thế chấp NH chỉ cho vay không quá 50% tài sản thế chấp. Hạn mức cho vay trên tài sản thế chấp còn thấp hơn trên thị trường cho vay ngắn hạn.

Có thế thấy yêu cầu thế chấp xuất phát từ việc một số NHTM đã khất nợ trên thị trường liên NH. Thực tế có NHTMCP lớn hiện nay cho vay trên thị trường liên NH 7.000-10.000 tỷ đồng, trong đó 1 nửa thế chấp và 1 nửa tín chấp, nhưng vẫn chưa thu hồi được.

Vì vậy, sự thận trọng của các NHTM lớn là điều cần thiết. Tuy nhiên, sự chặt chẽ trong cho vay của các NHTM lớn đã làm các NHTM nhỏ đã khó càng khó hơn.

Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng NHNN cần đứng ra làm đầu mối yêu cầu các NH lớn hỗ trợ NH nhỏ và các NHTM nhỏ phải cam kết với NHNN thực hiện đúng theo thỏa thuận. Có như vậy mới khai thông được thị trường liên NH. Ngoài ra, NHNN cũng cần tiếp tục bơm vốn qua thị trường mở.

Trước lo ngại việc NHNN bơm tiền ra có thể gây lạm phát, một chuyên gia NH cho rằng việc tăng tổng phương tiện thanh toán còn tùy thuộc vào hệ số nhân tiền. Một khi NHNN đã khống chế tăng tín dụng, dù tiền cơ sở tăng, hệ số tạo tiền bị kiểm soát thì tổng phương tiện thanh toán không tăng cao, sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát.

Giám sát chặt dòng vốn vay

Đầu tuần này NHNN đã ban hành Thông tư 37 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của NHNN đối với các tổ chức tín dụng. Theo đó, trong thời gian vay tái cấp vốn tại NHNN, định kỳ hàng ngày, các NH phải báo cáo hoạt động, nguồn vốn và sử dụng vốn cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi NH đặt trụ sở chính.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định mức cung ứng tiền cho mục tiêu tái cấp vốn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị vay cầm cố của NHTM, trình Thống đốc NHNN phê duyệt.

Nhiều ý kiến cho rằng thông tư này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi thực tế có NH đang thiếu thanh khoản vay tái cấp vốn từ NHNN 4.000-5.000 tỷ đồng rồi dùng vốn này đầu tư, cho vay thông qua các công ty “sân sau” của mình.

Vì thế, trước tình trạng một số NH vay trên thị trường 2 kỳ hạn ngắn rồi cho vay trên thị trường 1 dẫn đến rủi ro thanh khoản càng gia tăng, NHNN không chỉ kiểm soát dòng vốn vay từ tái cấp vốn, mà tới đây cần có những quy định giám sát chặt dòng vốn vay giữa các NHTM với nhau.

Được biết, tới đây trong hướng tái cấp vốn cho các NHTM, NHNN sẽ có quy định ưu tiên tái cấp vốn cho những NH cho vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, khu vực sản xuất, công nghiệp phụ trợ…

Những NH nhỏ bị mất cân đối vốn trên thị trường do thiếu thanh khoản sẽ được tái cấp vốn, nhưng sẽ chịu lãi suất cao hoặc bị giám sát chặt đầu ra của dòng vốn vay tái cấp vốn.

Việc đưa hoạt động vay và cho vay trên thị trường 2 đi vào nề nếp sẽ giúp dòng vốn tín dụng NH được sử dụng hiệu quả hơn. Kiểm soát chặt nguồn vốn vay trên liên NH còn tránh được tình trạng các NHTM “sống trên lưng” của nhau, chấm dứt việc một số NH quốc doanh lớn được cơ chế ưu đãi vay vốn từ NHNN với lãi suất rẻ, cho vay cắt cổ các NHTM bạn với lãi suất cao.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiện nay nhiều NHTM nhỏ vẫn có tâm lý ngại tiếp cận vốn trực tiếp từ NHNN vì sợ “lộ” chuyện làm ăn khuất tất. Vì vậy, hy vọng từ năm 2012, khi NHNN đã phân định và công bố được sức khỏe của các NHTM, NHNN sẽ có cơ chế phù hợp quản lý đưa hệ thống NH đi vào hoạt động và kinh doanh một cách minh bạch, rõ ràng và an toàn.

Nguồn Báo Sài Gòn Đầu tư Tài Chính