Du lịch Việt Nam 2012: Khó trăm bề

Theo bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), năm 2012 sẽ là một năm khó khăn cho ngành du lịch do lạm phát khiến giá dịch vụ tăng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch, bà kêu gọi ngành du lịch, hàng không và các địa phương phải có sự gắn kết với nhau, nhưng thông điệp này phát ra lại đúng vào thời điểm ngành hàng không “hăm he” điều chỉnh giá vé máy bay nội địa trước Tết Nguyên đán.

Hàng không kéo du lịch đi xuống

Với giá vé máy bay chặng có nhiều hành khách đi nhất là TP.HCM-Hà Nội tăng tám triệu đồng, theo như đề xuất nới trần được Bộ Tài chính thông qua, áp lực đang đổ dồn vào du lịch nội địa. Trước đây, ngay sau đợt điều chỉnh giá vé bay nội địa hồi tháng 4/2011, các tour du lịch trong nước đã giảm sút đáng kể. Giá vé của các tour du lịch trong nước sau khi được điều chỉnh đã đắt hơn cả giá một số tour du lịch nước ngoài. Cụ thể: khi điều chỉnh giá vé máy bay tăng 15%, giá tour từ TP.HCM đi Thái Lan chỉ bảy triệu đồng, trong khi đi Đông Bắc hay Tây Bắc đều có giá hơn 11 triệu đồng. Trong điều kiện đó, đương nhiên khách sẽ chọn các tour nước ngoài thay vì du lịch nội địa.

Nguồn Internet.

Du lịch VN kém sức cạnh tranh vì chi phí trong nước quá cao, tour nội đắt hơn tour ngoại vốn là điểm yếu tồn tại lâu nay chưa tháo gỡ được thì nay lại càng trầm trọng hơn khi giá vé máy bay nội địa tăng gần 50%.

Ngành du lịch VN đang đứng trước những khó khăn, nhất là việc tăng giá dịch vụ sẽ khiến lượng khách giảm

Ngành hàng không cho rằng vé máy bay có đến sáu mức giá nên du lịch có nhiều sự lựa chọn. Thực tế, theo các công ty du lịch, giá vé máy bay rất “tù mù”, không rõ ràng, khó lòng mua được vé giá rẻ! Chưa kể để mua được giá rẻ thì phải chịu nhiều điều kiện ràng buộc “khắc nghiệt” nên các đơn vị lữ hành hoàn toàn bị động khi thiết kế tour.

Trước tình hình trên, nhiều đơn vị lữ hành dự báo xu hướng đi du lịch bằng đường bộ sẽ được nhiều người lựa chọn, nhưng với doanh nghiệp du lịch, đây không phải là bài toán kinh doanh tốt, bởi đi tour xa sẽ tốn nhiều thời gian, du khách không mặn mà, chưa kể giao thông có quá nhiều vấn đề nên không an toàn trong quá trình đi tour. Còn với tour gần, ít tiền sẽ không mang lại lợi nhuận như mong đợi. Mặt khác, trong năm qua và kế hoạch du lịch của năm 2012 cho thấy, ngành du lịch chẳng có chương trình kích cầu nào để kích thích người dân đi du lịch, ngoài việc chọn năm 2012 là Năm du lịch di sản.

Càng tận thu, càng chết

Nhiều đơn vị lữ hành đang lo lắng tình trạng “đến hẹn lại tăng” vào dịp lễ, Tết của các doanh nghiệp dịch vụ khách sạn, điểm tham quan. Thời điểm này, nhu cầu khách sạn từ hai - ba sao chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng lại bị tăng giá “hỗn” với mức tăng 50-100% mà không hề có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Đặc biệt, sau mỗi sự kiện du lịch lại treo một bảng giá mới.

Suối Đá ngọn - Phú Quốc

Cụ thể như việc vịnh Hạ Long vừa tăng giá vé tham quan ngay sau thời điểm vịnh Hạ Long vừa lọt vào danh sách “có thể” trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, đã gây búc xúc cho du khách lẫn đơn vị lữ hành. Đại diện của Ban quản lý vịnh Hạ Long đưa ra ba lý do để tăng giá gấp đôi là: vịnh Hạ Long vừa vào danh sách bảy kỳ quan mới; nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng tiền mất giá, lạm phát leo thang. Cách làm này đi ngược với xu thế thế giới là lẽ ra phải mở chiến dịch quảng bá hình ảnh sau sự kiện này bằng chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Cụ thể như du lịch Hàn Quốc - trước khi đảo Jeju được bình chọn vào bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới, Tổng cục Du lịch nước này đã đưa ra ngay một chính sách giảm thủ tục hành chính bằng cách miễn visa khi đến Jeju, khuyến mãi giảm giá tour để thu hút du khách.

Mới đây, thông tin từ một số đơn vị lữ hành ở Hà Nội cho biết, các điểm tham quan như Sapa, chùa Hương, Văn Miếu Quốc Tử Giám... cũng thông báo sẽ tăng giá vào đầu năm 2012. Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông Công ty du lịch Vietravel cho rằng, việc tăng giá này dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng cục Du lịch.

Nguồn www.phunuonline.com.vn