Vai trò của Hội Nghề cá đối với hoạt động khai thác hải sản

Là tổ chức xã hội nghề nghiệp có tính chất tự nguyện, Hội Nghề cá tỉnh có trách nhiệm tác động phát triển nghề cá trong tỉnh nói chung, của từng địa phương, cơ sở nói riêng.

(NTO) Nhìn lại quãng thời gian từ năm 2006 đến nay, có thể thấy rõ sự cố gắng của Hội trong công tác vận động các chi hội, hội viên, ngư dân duy trì và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Ảnh: Văn Miên.

Theo báo cáo Ban Chấp hành Hội Nghề cá tỉnh, toàn tỉnh có 11 xã, phường, thị trấn ở ven biển có các chi hội làm nghề khai thác đang hoạt động hiệu quả. Điển hình có Chi hội Vây rút chì thôn Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải), các Chi hội Nghề cá phường Đông Hải, phường Mỹ Đông (Phan Rang-Tháp Chàm), Chi hội Pha xúc xã Phước Diêm (Thuận Nam) và đơn vị hội viên tập thể Hợp tác xã Ngư nghiệp thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) hoạt động nghề lưới đăng. Với vai trò của mình, Hội Nghề cá tỉnh đã vận động hội viên, ngư dân khai thác cá 2 vụ (bấc và nam), bám biển dài ngày, tổ chức nhiều nghề trên một đơn vị thuyền; đồng thời tác động, phối hợp với các ngân hàng giải quyết cho hội viên, ngư dân vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, nâng cấp thuyền nghề, chi phí khai thác. Các chi hội đã thể hiện vai trò chủ lực trong sản xuất, khai thác hải sản, trong giai đoạn 2006-2010 đều đạt và vượt từ 5-10% so với kế hoạch của ngành giao; sản lượng bình quân năm đạt 49.000-50.000 tấn hải sản các loại.

Qua tìm hiểu, được biết các Chi hội Nghề cá điển hình vừa nêu đã có nhiều chuyển biến trong hoạt động. Chi hội Vây rút chì thôn Khánh Hội mạnh dạn đầu tư tàu thuyền công suất lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học như máy thu lưới, máy dò ngang đã nâng cao năng suất đánh bắt, hằng năm có nhiều tàu khai thác đạt hằng trăm tấn cá, doanh thu hàng tỷ đồng/thuyền. Chi hội Nghề cá phường Đông Hải hoạt động các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, sản lượng hàng năm đạt 8.000 tấn. Chi hội Nghề cá phường Mỹ Đông với nghề lưới cản, lưới quét, câu bủa và câu khơi có sản lượng khai thác năm sau cao hơn năm trước. Chi hội Nghề cá thôn Vĩnh Hy với sản phẩm khai thác chủ yếu là cá thu, cá ngừ có giá trị kinh tế cao phục vụ cho xuất khẩu, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 600-700 tấn, riêng vụ cá mùa bấc 2010-2011 đạt sản lượng trên 1.000 tấn. Đặc biệt Chi hội Pha xúc xã Phước Diêm, với cơ sở dịch vụ hậu cần mạnh, sản lượng khai thác cá cơm hằng năm cao nhất tỉnh; nhiều tàu công suất lớn tổ chức khai thác ở ngư trường xa thuộc các vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Tuy nhiên, dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ, trong thực tế vai trò tác động của Hội Nghề cá đối với hoạt động khai thác đánh bắt chưa nhiều. Ông Nguyễn Tấn Tùng, Nguyên Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh nhiệm kỳ vừa kết thúc nói: “Nhiều chi hội nghề cá được thành lập nhưng không có kế hoạch hoạt động, không sinh hoạt điều lệ, đôi khi lúng túng, chỉ trông chờ vào nguồn lực bên ngoài, đã vậy nhân sự Ban chấp hành, Ban Thường vụ Hội không ổn định và hoạt động chưa đều”. Nhiều ngư dân đang sinh hoạt ở các chi hội nghề cá cũng có nhận xét Hội chưa đóng vai trò tác động tích cực đến hoạt động khai thác, đánh bắt. Ông Phạm Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá phường Đông Hải băn khoăn: “Hội Nghề cá tỉnh có cố gắng trong xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản nhưng đối với lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản thì chưa từng có mô hình hoặc ứng dụng kỹ thuật mới nào”. Ông Trần Văn Đông, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Phước Diêm chia sẻ: “Muốn tác động thật sự đến hoạt động đánh bắt, tôi nghĩ Hội Nghề cá tỉnh cần phối hợp với các ngành liên quan giúp cho hội viên, ngư dân về phương cách làm ăn mới và tổ chức tiêu thụ sản phẩm, không để tư thương ép giá”.

Thấy rõ mặt hạn chế về trách nhiệm tác động phát triển nghề cá, trong thời gian đến, Hội Nghề cá tỉnh đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục vận động hội viên, ngư dân tham gia chuyển dịch cơ cấu thuyền nghề theo hướng khai thác xa bờ, giảm loại tàu cá dưới 50 CV, tăng loại tàu cá 90 CV trở lên; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, khuyến khích phát triển nghề chủ lực khai thác cá nổi, cá tầng giữa và cá tầng đáy, bố trí nghề phụ phù hợp với điều kiện khai thác từng thuyền nghề.

Nhận định về xu hướng phát triển mới của nghề cá tỉnh ta, bà Bùi Thị Anh Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh nhiệm kỳ mới chỉ rõ: “Từ thực tiễn hoạt động những năm qua, trong giai đoạn 2011-2015, đòi hỏi Hội Nghề cá tỉnh cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu phát triển nghề cá. Hội có trách nhiệm vận động hội viên, ngư dân thực hiện khai thác gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng chống thiên tai”.