Kỳ vọng vào kỳ quan

Việc vịnh Hạ Long của Việt Nam lọt vào 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới của Tổ chức New Open World (trụ sở ở Thụy Sĩ) là thành công cho hình ảnh du lịch Việt Nam. Thành công này sẽ mở ra thuận lợi cho công tác quảng bá hình ảnh du lịch ra nước ngoài. Tuy nhiên, với nhiều cái yếu, cái thiếu còn tồn tại, “kỳ quan” sẽ thêm kỳ vọng, thách thức cho ngành du lịch nước nhà.

Cơ hội quảng bá

Khởi động bầu chọn có phần trầm lắng hơn các nước, nhưng với cú bứt phá nước rút đầy ngoạn mục, vịnh Hạ Long đã lọt vào nhóm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Đây chỉ là kết quả của lần kiểm phiếu đầu tiên, kết quả chính thức sẽ được công bố vào đầu năm 2012. Nhưng kết quả trên được xem là tin vui chắc chắn, không chỉ làm nức lòng người dân Quảng Ninh, lãnh đạo ngành du lịch mà còn là niềm tự hào của hàng triệu người Việt Nam ở trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế. Mừng sự kiện này, ngay sau đó, nhiều dạ hội đã được tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh. Hàng triệu triệu tin nhắn, phiếu bầu cho vịnh Hạ Long còn mang theo niềm tin, kỳ vọng về một sự thay đổi cho du lịch nước nhà.

Du khách tham quan TPHCM bằng xích lô. Ảnh: CAO THĂNG

Du lịch Việt Nam đã xác định 4 thị trường tiềm năng hướng đến. Đó là Trung Quốc, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Tây Âu, ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia). Vài năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm ngàn USD để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên các kênh truyền hình quốc tế như CNN, BBC… nhưng bấy nhiêu đó như muối bỏ bể.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc tốn một khoản tiền lớn để quảng bá trên các kênh truyền hình tầm cỡ này không phù hợp, lãng phí vì chúng ta quảng bá chưa trúng đích. Hơn nữa, việc tổ chức hình ảnh, biểu trưng, biểu tượng của du lịch Việt Nam để quảng bá vẫn chưa đồng nhất, còn gây nhiều tranh cãi.

Chính vì vậy, việc vịnh Hạ Long lọt vào tốp 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới của một tổ chức có uy tín, được xem như con đường nhanh và hiệu quả nhất để giúp quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Vịnh Hạ Long sẽ tăng thêm sức hút đối với du khách quốc tế đến Việt Nam, đến vịnh Hạ Long để chiêm ngưỡng, khám phá một kỳ quan thiên nhiên có một không hai trên thế giới.

Như một sự trùng hợp, trong những ngày qua, truyền thông quốc tế cũng đang hướng về Việt Nam để dõi theo chuyến đi của những con người được xem có ảnh hưởng nhất kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood - gia đình Brad Pitt -Angelina Jolie và 6 đứa con đang du lịch tại Côn Đảo. Rồi đây, Côn Đảo của Việt Nam không chỉ được biết đến như “địa ngục trần gian” trong chiến tranh, mà còn là một thiên đường du lịch nổi tiếng của Việt Nam, được đánh dấu bằng sự hiện diện của gia đình nổi tiếng này. Những từ khóa Brad Pitt - Angelina Jolie, Pax Thiên sẽ là cầu nối giúp du lịch Việt Nam đến gần hơn với thế giới.

Kỳ vọng thay đổi

Trước thông tin vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, các doanh nghiệp (DN) lữ hành bày tỏ niềm vui với phần thưởng… tinh thần này. Tuy nhiên, các DN cho rằng, để du lịch Việt Nam thay đổi, khởi sắc hơn hiện nay chính ở cách làm của ngành quản lý, chứ không phải ở vịnh Hạ Long! Hạ Long có thể là một hình ảnh đẹp, tiêu biểu đại diện để quảng bá du lịch Việt Nam nhưng để phát triển và thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần phải “thay máu” nhiều thứ.

Cần một chiến dịch quảng bá để thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Quay trở lại câu chuyện quảng bá, chúng ta có nhiều thị trường mục tiêu và kết quả là đầu tư, quảng bá dàn trải. Đó không chỉ là một chương trình xúc tiến như tham gia hội chợ, biểu diễn roadshow mà đòi hỏi phải để lại ấn tượng bằng những hình ảnh tiếp thị qua pano, áp phích. Ngoài Vietnam Airlines - đơn vị tự bỏ tiền quảng bá ra nước ngoài còn nhiều hơn cả ngành du lịch, nhưng hình ảnh du lịch Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn trên phương tiện truyền thông nước ngoài.

Trong khi đó, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng ý đồ của ngành du lịch Thái Lan đối với thị trường Việt Nam, qua những pano quảng cáo dày đặc ở khu trung tâm của TPHCM. Rồi Campuchia, với chính sách không tăng giá, họ đã đầu tư cho thị trường mục tiêu Việt Nam và ngay lập tức khách du lịch Việt Nam dẫn đầu khách quốc tế đến Campuchia. Ngành du lịch Thái Lan, Campuchia đã biết cách “lấy lòng” các công ty du lịch Việt Nam bằng giải thưởng tôn vinh DN đưa khách nước ngoài vào nhiều nhất. Ngành du lịch Việt Nam chưa có phần thưởng này cho các DN lữ hành quốc tế. Nhưng có thể, ngành du lịch Việt Nam cũng học hỏi, làm theo cách này, dự kiến lần đầu tiên sẽ tổ chức vào tháng 12 tới.

Du lịch Việt Nam thích hào nhoáng với những con số. Đón khách quốc tế luôn gắn liền với điệp khúc tăng. Việt Nam đang vào mùa cao điểm đón khách quốc tế, với những chuyến bay chở đầy khách Nga đến sân bay Cam Ranh… Nhưng trước đó, vào mùa thấp điểm, các DN không vui với những con số tăng theo thống kê của ngành. Phần lớn DN kêu giảm, nhưng số liệu của ngành du lịch cứ thống kê tăng! Thực tế, DN cũng như lãnh đạo của ngành du lịch thừa nhận rằng những con số nêu chỉ là… ước đạt!

Sự hào nhoáng không bằng sự thật!

Nguồn Báo SGGP Online