Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Cần rà soát lại để giao đất sao cho hợp lý

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 1-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng toàn quốc.

 

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Cần có cơ chế giao rừng cho người dân với chính sách phù hợp

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 – 2010 dù đạt được những kết quả cao, song còn băn khoăn về các con số đạt được. Đề nghị Chính phủ có cơ chế giao rừng cho người dân với chế độ phù hợp, có chính sách để phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, nghĩa là trồng và khai thác gỗ trong tương lai, chứ không phải trồng cây cà phê, cao su như hiện nay, vì đó là cây công nghiệp.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về việc thực hiện Dự án 5 triệu hécta rừng trong giai đoạn 1998 – 2005. Đó là: Những hạn chế trong công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 3 loại rừng còn chậm; những vụ việc vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng; việc chặt phá, khai thác rừng trái phép, xâm lấn rừng.... vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, đó là: Việc giao đất rừng chưa cụ thể; sự khai thác bừa bãi, cháy rừng, buôn lậu gỗ... đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân... là những nguyên dân dẫn đến việc triển khai Dự án chưa đạt hiệu quả cao.

Để có thể đẩy mạnh việc triển khai Dự án, Chính phủ cần thực hiện chính sách đối với người trồng rừng; có sự hỗ trợ hợp lý đối với các hộ nông dân được giao khoán rừng. Để làm được điều này, cần có chính sách hợp lý về vốn; tiếp tục đổi mới áp dụng khoa học - công nghệ vào trồng rừng và phát triển rừng...

Đất nông nghiệp đang bị biến dạng

Về tình trạng sử dụng đất hiện nay, nhiều đại biểu cũng đồng quan điểm: Việc sử dụng đất đang tràn lan và lãng phí rất nhiều. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, hiện nay, cái gọi là đất nông nghiệp đang bị biến dạng: Trên giấy tờ là đất 1 lúa, 2 lúa nhưng thực tế là biệt thự nhà vườn. Do đó, Chính phủ cần có sự rà soát lại để giao đất sao cho hợp lý. Khi giao đất cho doanh nghiệp, đòi hỏi họ phải giải bài toán là lấy đất, bao nhiêu người dân sẽ chịu ảnh hưởng và họ phải đảm bảo cuộc sống cho những người dân đó trong tương lai ra sao, thì mới đồng ý giao đất, chứ chúng ta không nên phát triển các khu công nghiệp như vừa qua.

Đồng tình với ý kiến trên, theo đại biểu Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh), hiện nay, đất khu công nghiệp mới sử dụng 46%. Một số nơi còn sử dụng đất lãng phí như: đầu tư cho sân gôn, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng... Với tình trạng sử dụng đất thiếu khoa học như hiện nay, Chính phủ nên rà soát nghiêm túc và cần quản lý điều hành chặt chẽ trong thời gian tới.

Đại biểu Trương Thị Ánh  TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: Chúng ta đã đặt mục tiêu là phải giữ diện tích đất trồng lúa. Vì thế, chúng ta cần phải có biện pháp triển khai để làm và thực thi được mục tiêu đã đặt ra. Thực tế lâu nay, rất nhiều diện tích trồng lúa đã chuyển qua mục đích sử dụng khác, dẫn đến những hậu quả khó lường: Người dân mất đất, mất việc làm.... Giữ vững diện tích trồng lúa không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân mà còn để đảm bảo an ninh lương thực...

Theo Báo Điện tử ĐCSVN