KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM

Trân trọng giá trị lịch sử, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững

Sử học cần phải theo kịp được đời sống, nó không dừng lại ở những giá trị của quá khứ, mà quan trọng là phát hiện ra những giá trị của đời sống hiện đại để chúng ta không ngừng thúc đẩy xã hội tiến lên.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là một trong những Hội của ngành nhân văn ra đời sớm nhất ở nước ta.

Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc - Ảnh: Chinhphu.vn

Trong 45 năm qua, khoa học lịch sử đã phục vụ rất sát mục tiêu chính trị của đất nước, hoàn thành một trách nhiệm rất quan trọng là huy động toàn dân bảo vệ nền độc lập.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc tổng kết những thành tựu trong 25 năm đổi mới khẳng định nếu chúng ta nhận thức đúng được quy luật phát triển, những truyền thống, bứt phá của lớp tiên phong thì chúng ta sẽ rút ngắn hơn quá trình tìm tòi.

Chính công cuộc đổi mới và phát triển đất nước càng đòi hỏi sử học gắn với đời sống hiện đại hơn. Khai thác các giá trị của quá khứ, nhưng phải phục vụ mục tiêu phát triển hiện đại của đất nước, cùng với quá trình hội nhập của chúng ta. Đương nhiên, những giá trị bảo vệ của Tổ quốc, truyền thống đánh giặc ngoại xâm vẫn là giá trị lâu bền. Chính vì thế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận thức rằng sử học cần phải theo kịp được đời sống. Nó không dừng lại ở những giá trị của quá khứ, mà quan trọng là nó phát hiện ra những giá trị của đời sống hiện đại để chúng ta không ngừng thúc đẩy xã hội tiến lên.

Ngoài lịch sử quốc gia dân tộc, cấp tỉnh, cấp huyện, rồi các đơn vị làng, xóm, rồi các dòng họ cũng làm sử. Điều đó chứng tỏ dân Việt Nam rất yêu sử. Đây là một truyền thống rất đáng quý. Nhưng làm thế nào để hiểu đúng lịch sử và vận dụng vào thời kỳ hiện đại ngày nay thì chúng ta lại rất hạn chế.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam với tư cách là hội xã hội- nghề nghiệp, vượt lên trên những khó khăn của một hội 3 không (không trụ sở, không ngân sách và cũng không có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp) thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc gắn kết với các hoạt động của đời sống. Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ giữa sử học với giới trẻ.

Đây là vấn đề nan giải, là vấn đề chung của thời đại, bên cạnh đặc thù của Việt Nam. Hội sử cũng phối hợp với các nhà xuất bản lớn trong việc xây dựng hệ thống sách để bổ trợ cho các bạn trẻ bằng cách chuyển tải những tri thức một cách nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, nhất là tri thức lịch sử, khuyến khích các hình thức hoạt động thích hợp. Đây là nỗ lực của toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam với tư cách là một hội nghề nghiệp sẽ đóng góp vai trò trong quá trình chuyển đổi lớn của xã hội như thế này.

Ra đời Quỹ phát triển sử học Việt Nam

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê.

Về tình trạng nhiều thanh niên học sử sa sút như hiện nay, GS, NGND, Viện sĩ Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định hội tự coi có một phần trách nhiệm của mình và đã có nhiều đóng góp tích cực để khắc phục.

Ngoài hai cuộc hội thảo quốc gia lớn về vấn đề này, hội còn cử hai chuyên gia là GS Đinh Xuân Lâm- Phó Chủ tịch hội và GS Vũ Dương Ninh- nhà sử học lão thành, một tác giả biên soạn nhiều sách phổ thông thay mặt hội thường xuyên theo dõi việc dạy sử phổ thông và thường xuyên góp ý kiến cho Viện Khoa học Giáo dục.

Tuy nhiên, để cải thiện tình trạng học sử của học sinh hiện nay, điều quan trọng là thay đổi nhận thức về vị trí của môn sử trong sách học phổ thông, thay đổi cách dạy và học sử. Hiện nay lịch sử chính trị, chống ngoại xâm chiếm tỷ trọng quá lớn.

Trong khi đó, lịch sử kinh tế, xã hội, lịch sử cộng đồng con người và đặc điểm lịch sử văn hoá chưa có tỷ lệ thích đáng trong sách giáo khoa phổ thông. Chính vì thế, GS Phan Huy Lê cho rằng việc ra đời Quỹ phát triển sử học Việt Nam nhằm mục đích đào tạo nhân tài sử học cho đất nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam.

Quỹ phát triển sử học chủ yếu khuyến khích đào tạo nhân tài. Cũng có một giải thưởng dành cho công trình sử học xuất sắc 3-4 năm một lần. Quỹ này không có trách nhiệm giải quyết toàn bộ dạy sử, học sử hiện nay nhưng kiên trì đóng góp cho cơ quan giáo dục của Nhà nước bằng mọi cách cải thiện tình trạng này. Cải thiện từng bước tiến tới đổi mới toàn diện về giáo dục, tổ chức các hội thảo chuuyên gia với những người chịu trách nhiệm soạn sách giáo khoa để tiến tới cải cách căn bản trong toàn hệ thống về môn sử.

Tối 22/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ kỷ niệm 45 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất. Nhân dịp này Hội sẽ công bố Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam và biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt Sóng vọng biển Đông. Gắn kết chặt chẽ hơn với thực tiễn đời sống, đó là mục tiêu của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn www.chinhphu.vn