Tháng 9: Giá cả thị trường đã bình ổn!

Theo như dự báo của các nhà chuyên môn, trong tháng 9 vừa qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 0,2%, thấp hơn một nửa so với chỉ số tăng của tháng trước.

(NTO) Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, trong đó chỉ số nhóm hàng hóa giảm 0,05% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 0,01%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm giảm 0,12%) và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,92%. Từ thực tế này có thể nói sau một thời gian khá dài lên, xuống thất thường thì từ tháng 8 đến nay thị trường đang theo chiều hướng bình ổn. Tuy nhiên, nếu “cộng dồn” 9 tháng cho thấy CPI đã tăng khá cao. Theo số liệu của Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2011 so với tháng 12-2010 tăng 14,85%. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2010 CPI đã tăng 22,23% và bình quân 9 tháng năm 2011 so với 9 tháng năm 2010 tăng 18,63%. Qua phân tích của các nhà chuyên môn, thời gian qua đa số các nhóm mặt hàng đều tăng và chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân như: tình hình biến đổi khí hậu làm động đất, sóng thần tại Nhật Bản và bất ổn chính trị ở các nước Trung Đông, Bắc Phi đã làm tăng giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng tới việc tăng các mặt hàng trong nước; tăng chi phí đầu vào như điện nước, xăng dầu, lãi suất ngân hàng; tăng lương; dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh làm nguồn cung lương thực, thực phẩm giảm sút…

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ
TOÀN TỈNH THÁNG 9/2011

Về lưu chuyển hàng hóa trong tỉnh, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 đạt 702,8 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm nay đạt hơn 5.735 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá chỉ còn tăng 3,54% so với cùng kỳ năm 2010). Trong số này lĩnh vực thương nghiệp chiếm 80%, khách sạn-nhà hàng chiếm 12,5% và dịch vụ chiếm 7,5%.