Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay

66 năm trước, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã nổ ra trong cả nước và giành thắng lợi vẻ vang, đập tan chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra cho đất nước ta một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Toàn thể dân tộc Việt Nam bắt tay xây dựng một Nhà nước kiểu mới - Nhà nước dân chủ nhân dân - của nhân dân, do nhân  dân, vì nhân dân.

Là người sáng lập Nhà nước dân chủ mới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã được ghi trang trọng trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ðó là tư tưởng về  “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; tư tưởng về “nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”; tư tưởng về “Chính phủ là công bộc của dân”. Nhà nước của nhân dân thì “bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.

Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì điều tối thượng có tính nguyên tắc là quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Quốc hội và HÐND  các cấp chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc sử dụng quyền lực, trong đó có một việc mở đầu rất quan trọng, quyết định chất lượng hoạt động của Nhà nước là việc bầu các chức danh của Nhà nước. Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội phải thấy rõ trách nhiệm trước cử tri. Cử tri bầu ra các đại biểu thay mặt cho toàn thể đồng bào quyết định nhiều vấn đề liên quan đến sự tồn vong của quốc gia. Người đại biểu của dân mà thiếu trí tuệ, bản lĩnh, không dám nói lên nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng của dân- thực chất là vận mệnh của đất nước- thì ngồi ở nghị trường, họ chỉ là hư danh. Cho dù nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và HÐND các cấp, và nhân dân ủy quyền, nhưng vì quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nên “nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành  nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực hiện mục tiêu đó, hoạt động của Chính phủ trong bộ máy nhà nước giữ  vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng. Phải nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý và điều hành của Chính phủ theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương. Người dân trông chờ vào một Chính phủ quản lý có chất lượng, khoa học, hiệu quả các mặt đời sống kinh tế - xã hội. Ðó phải là một Chính phủ  tạo ra những cơ hội, điều kiện tốt nhất cho cá nhân và các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quốc hội thay mặt đồng bào bầu ra Chính phủ là để phục vụ nhân dân, chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Tiếng dân chính là truyền lại ý trời”; “Dân muốn gì, ta phải làm nấy”; “Sức dân như nước”; “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Còn những cán bộ nhà nước thì tuyệt đối không được lầm lẫn sự ủy thác quyền lực của nhân dân với quyền lực cá nhân. Không một cá nhân nào, từ Chủ tịch đến Bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác, có quyền lực. Họ chỉ là công bộc của nhân dân, đầy tớ của nhân dân, phục vụ nhân dân, do dân ủy thác quyền lực.

Nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Ðẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề cơ bản để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong công cuộc đổi mới.

Sau 25 năm đổi mới, thế giới và Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn, nhưng di sản Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vẫn nguyên giá trị thời đại. Nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa hết sức to lớn.