Đảm bảo an toàn giao thông học đường

Bước vào năm học mới, cùng với nỗi lo “đèn sách” là nỗi lo an toàn giao thông học đường. Mặc dù ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như ngành chức năng đã tuyên truyền và thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông nhưng tình trạng học sinh vi phạm vẫn diễn ra.

(NTO) Không khó để bắt gặp cảnh học sinh chen nhau lưu thông lộn xộn trước cổng trường sau giờ tan học. Thực trạng này xảy ra đã từ lâu nhưng chưa thể ngăn chặn được. Bởi khi tan trường là thời điểm tập trung một lượng học sinh đông, trong khi không gian cổng trường không đủ rộng, lại còn bị hàng quán lấn chiếm; thêm vào đó là ý thức tự giác chấp hành trật tự ATGT của học sinh vẫn còn hạn chế. Nhiều học sinh trên đường về lại tranh thủ đạp xe dàn hàng hai, hàng ba trò chuyện, quên cả sự nguy hiểm đối với mình và gây ách tắc giao thông trên đường phố.

Vẫn còn tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông

Không ít những vụ TNGT thương tâm xảy ra đối với học sinh, qua đó đã có nhiều trường hợp do bị TNGT đã khiến các em không thể trở lại trường học. Những ước mơ của các em và niềm hy vọng của gia đình trở nên dang dở. Những người chứng kiến vụ TNGT ngày 11-5-2011 tại tỉnh lộ 702 thuộc xã Tri Hải (Ninh Hải) không khỏi xót xa và thương cảm khi TNGT đã cướp đi sự sống của em Lê Thị Thanh, 18 tuổi, học sinh Trường THPT Ninh Hải khi em đang đạp xe chuyện trò cùng bạn trên đường trở về nhà. Do không để ý, quan sát, xe đạp bất ngờ đâm vào mô-tô do anh Trương Thành Pho điều khiển đang tránh xe buýt ở phía trước. Thanh ngã xuống bị thương nặng. Gia đình đã rất vất vả đưa em vào tận thành phố Hồ Chí Minh để cấp cứu nhưng sau 3 ngày thì Thanh không qua khỏi.

Có trường hợp tuy chưa đến tuổi điều khiển mô-tô, không có bằng lái nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông gây tai nạn nghiêm trọng. Đơn cử, ngày 3-2-2011, trên đường Dã Tượng, thuộc phường Tấn Tài, em Trần Hữu Hạnh, (15 tuổi), điều khiển mô tô 85V1-3700 gây tai nạn làm chết bé gái Ngô Phương Thư (3 tuổi). Ngày 4-3-2011, trên đường 703 địa phân thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận (Ninh Phước) em Nguyễn Văn Trung, (16 tuổi) điều khiển mô-tô 85N2-1972 chở ba tung vào mô-tô 86F7-3591 do Đặng Văn Thao ở Phước Thuận điều khiển làm hai người điều khiển xe chết trên đường đi cấp cứu, còn lại đều bị thương nặng...

Theo Trung tá Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Đội CSGT-TT-CĐ, Công an Tp. Phan Rang – Tháp Chàm: Ngay từ đầu năm học, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ và các quy tắc tham gia giao thông cho học sinh, dựng các bảng pa-nô tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ đối với học sinh tại một số trường học. Phối hợp với nhà trường và phụ huynh nhắc nhở giáo dục các trường hợp học sinh vi phạm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là theo quy định các em tuổi vị thành niên khi vi phạm giao thông thì không được xử phạt mà thông báo và giao về cho phụ huynh giáo dục. Do sợ bị kỷ luật, hạ bậc hạnh kiểm nên nhiều em không chịu khai báo là học sinh trường nào. Có trường hợp học sinh đi học xa, gia đình, bố mẹ cưng chiều cho đi xe máy đến trường mặc dù chưa đủ tuổi được phép sử dụng. Khi đến trường, để tránh sự theo dõi của nhà trường các em gửi đi xe máy ở bên ngoài, nên khó phát hiện để xử lý”.

Nhằm hạn chế tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào thi đua về đảm bảo ATGT thông năm 2011. Theo đó, nhà trường tăng cường công tác dạy lồng ghép các kiến thức giáo dục ý thức chấp hành, giữ gìn trật tự ATGT cho học sinh; xây dựng tủ sách pháp luật, đưa thông tin liên quan đến ATGT; học sinh và giáo viên ký cam kết không vi phạm pháp luật, thực hiện tốt các quy định về ATGT như: không đi bộ trong lòng đường, không vi phạm quy định sử dụng mô-tô, xe máy, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện; không đi xe đạp hàng hai, hàng ba, không chơi đùa, chạy nhảy trong lòng đường, không tham gia đua xe trái phép. Nhà trường coi việc chấp hành giao thông là một tiêu chí đánh giá thi đua, trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông Đường bộ không được xếp loại hạnh kiểm khá, tốt...

Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả ATGT học đường, bên cạnh sự tuyên truyền, xử phạt, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra, xử lý, cập nhật, lưu giữ các thông tin những trường hợp học sinh vi phạm pháp luật giao thông, duy trì thông báo định kỳ danh sách những học sinh vi phạm đến nhà trường để cùng phối hợp giáo dục. Nhà trường cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật đối với học sinh, sinh viên. Đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Về phía gia đình, các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật của con em mình, không mua xe mô-tô cho con hoặc tuyệt đối không cho phép con đi xe mô-tô đến trường.

Do phần nhiều các trường học đều nằm trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông có số lượng phương tiện tham gia giao thông đông, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, việc đảm bảo ATGT cho học sinh là một trong những vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.