Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Hướng đến mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Dành hơn 116 tỷ đồng triển khai nhiều nội dung quan trọng, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thể hiện quyết tâm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển, đưa du lịch (DL) thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, có Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 27 đi qua, cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 60km. Thành phố có bờ biển dài 8km với cảng cá Đông Hải, bãi biển Bình Sơn. Ven thành phố có nhiều vườn nho, táo là những loại cây trồng đặc thù của Ninh Thuận. Trên địa bàn thành phố có 5 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 17 di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh, trong đó tháp Po Klong Garai được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đi cùng với đó là các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm; lễ hội cầu ngư của ngư dân Đông Hải...

Đông đảo du khách tham quan tại tháp Po Klong Garai (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển DL, đưa DL thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, Thành ủy, UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch quan trọng lãnh đạo thực hiện đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2021 đến nay, thành phố huy động hơn 450 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và hạ tầng DL. Nhờ vậy, một số khu dân cư như: Mương Cát, Phước Mỹ, Khu đô thị Đông Bắc (Khu K1)... được mở rộng và hoàn thiện. Khu vực công viên biển Bình Sơn, Quảng trường 16 Tháng 4 được chỉnh trang, làm mới nhiều hạng mục. Đến nay, toàn thành phố có 192 cơ sở lưu trú với 3.007 phòng, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú từ bình dân đến cao cấp của du khách. Đặc biệt, thành phố chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về thực hiện các nhiệm vụ phát triển DL, thực hiện tốt nếp sống văn minh, xây dựng hình ảnh một thành phố DL thân thiện, an toàn với tiêu chí “3 không, 1 có” (không rác, không hàng rong, không ăn xin và có an toàn).

Trong nỗ lực tạo điểm nhấn để vừa thu hút du khách vừa kích cầu phát triển kinh tế ban đêm, ngày 27/4 vừa qua, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chính thức khai trương tuyến phố đi bộ quanh khuôn viên Công viên 16 Tháng 4 với nhiều hoạt động văn hóa, không gian vui chơi, ẩm thực, mua sắm... Sau 2 tháng hoạt động, phố đi bộ đã thu hút trên 50.000 lượt khách, bước đầu tạo ấn tượng tốt, được người dân và du khách đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Hiền, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Trở lại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm sau 5 năm, tôi ngạc nhiên trước tốc độ phát triển ở địa phương. Khu K1 mọc lên nhiều quán ăn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, phố đi bộ nhộn nhịp. Tôi đặc biệt thích thú với không gian biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm và Raglai.

Đồng chí Trần Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết: Thành phố đang tập trung cơ cấu lại ngành DL đảm bảo tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường du khách. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ DL chất lượng cao; đa dạng các loại hình DL dựa trên tiềm năng và các lợi thế, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; nghiên cứu và triển khai các chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh DL tiếp cận với các nguồn vốn, gói kích cầu; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành DL.

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ đêm du lịch Ninh Thuận. Ảnh: N.Diệp

Trên cơ sở đó, thành phố xây dựng và ban hành “Đề án phát triển DL Tp. Phan Rang - Tháp Chàm giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2025, hình thành 2 khu đô thị DL mới, doanh thu ngành DL đạt trên 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. Đến năm 2030, thành phố đón 3,5 triệu lượt du khách, trong đó có 20% là khách quốc tế, doanh thu DL đạt 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Để đạt được mục tiêu, từ nay đến năm 2030, thành phố dành khoảng hơn 116 tỷ đồng thực hiện nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, giai đoạn 2024-2025, thành phố phân bổ hơn 77,5 tỷ đồng để thực hiện công tác truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành DL; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và bộ thuyết minh về DL thành phố; đầu tư nâng cấp, lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng trên các tuyến đường, khu vực công cộng; số hóa các di tích lịch sử - văn hóa; phầm mềm quản lý, hướng dẫn, quảng bá DL thành phố; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ trên tuyến phố đi bộ, festival biển; xây dựng điểm kết nối, trưng bày và bán sản phẩm OCOP; lắp đặt hệ thống nhạc nước, đèn màu phun nước, đồng hồ lớn tại Công viên biển Bình Sơn; xây dựng các điểm “checkin”. Giai đoạn 2026-2030, thành phố tiếp tục dành khoảng 38,5 tỷ đồng xây dựng điểm tập và huấn luyện chơi golf, các điểm vui chơi, giải trí và con đường “di sản xanh” kết nối 2 hồ điều hòa.

Theo đồng chí Trần Ngọc Quang, vừa qua tỉnh đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch chung xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thành phố được xác định là đô thị hỗn hợp, đa dạng lấy DL làm động lực phát triển, hướng tới đô thị thông minh, đô thị DL, đô thị biển, đô thị xanh. Đây là cơ sở để thành phố triển khai các hoạt động thu hút đầu tư, kích cầu phát triển DL trong thời gian tới.