Hãy tiếp tục chung tay, góp sức để xoa dịu nỗi đau da cam

Sáng ngày 10-8, tại Hà Nội, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) phối hợp với Hội nạn nhân da cam/dioxin Hà Nội tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011).

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, bạn bè quốc tế hãy tiếp tục chung tay, góp sức làm tất cả những gì có thể để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam tại Việt Nam; đặc biệt kêu gọi Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm trước những thiệt hại đã gây ra cho môi trường và sức khỏe người dân Việt Nam.

Dự lễ mít tinh có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Huỳnh Đảm – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban ngành đoàn thể ở Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế, các nạn nhân chất độc da cam.

 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại lễ mít tinh (Ảnh: KT)

Tại lễ mít tinh, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch VAVA cho biết: ngày 10/8/1961, máy bay của quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam, dọc theo đường 14 từ bắc Kon Tum đến Đắc Tô. Thảm họa da cam ở Việt Nam bắt đầu từ đây. Trong suốt mười năm từ 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg di-o-xin xuống gần ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nân thuộc thế hệ con, cháu. Nhiều gia đình có đến 4, 5 nạn nhân, không lao động được để duy trì cuộc sống, lại bệnh tật triền miên, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, không chỉ người Việt Nam mà nhiều binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam.

Phát biểu tại lễ mít tinh, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lời thăm hỏi sâu sắc tới gia đình, các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Đồng chí nhiệt liệt hoan nghênh các anh chị em, các cháu nạn nhân chất độc da cam, với ý chí mạnh mẽ, đã vượt qua rất nhiều khó khăn để hòa nhập cộng đồng, chứng tỏ bản lĩnh người Việt Nam. Đồng chí biểu dương VAVA, các cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nghĩa tình, ngày đêm làm việc tận tụy vì nạn nhân da cam. Đồng chí cũng nhiệt liệt hoan nghênh các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân cả nước, đồng bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế và những người có lương tri trên toàn thế giới đã và đang tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam để công lý được thực thi.

Đồng chí khẳng định: Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để giúp các gia đình và nạn nhân da cam bớt đi những khó khăn trong cuộc sống. Cả hệ thống chính trị, các tổ chức cá nhân Việt Nam trong và ngoài nước cũng ra sức ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần đối với họ. Nhưng cuộc sống của các nạn nhân da cam Việt Nam vẫn còn rất khó khăn vì bệnh tật hiểm nghèo, nỗi đau tinh thần dày vò, nhiều gia tộc có nguy cơ bị hủy diệt.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước hãy tiếp tục chung tay, góp sức làm tất cả những gì có thể để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ các nạn nhân có điều kiện cải thiện cuộc sống.

Phó Chủ tịch nước cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm trước những thiệt hại đã gây ra cho môi trường và sức khỏe người dân Việt Nam; kêu gọi Chính phủ, các tổ chức quốc tế và quốc gia, các tổ chức phi Chính phủ, các nhà khoa học, các luật gia, các nhà hoạt động xã hội và nhân dân thế giới hãy giúp đỡ, ủng hộ nhiều hơn nữa cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam trong cuộc sống, trong đấu tranh đòi công lý.

Tại lễ mít tinh, bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, đồng điều phối Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm chất độc da cam Việt Nam nói: “Năm mươi năm trước, vào đúng ngày như ngày hôm nay, Hoa Kỳ lần đầu tiên phun rải chất độc da cam lên con người và đất đai Việt Nam. Một nửa thế kỷ sau, chúng ta đang có mặt ở đây để tuyên bố nay là thời điểm công lý phải được thực hiện…Hôm nay tất cả chúng ta hãy đoàn kết và đứng bên cạnh anh chị em Việt Nam của chúng ta và với tất cả nạn nhân chất độc da cam khác. Năm mươi năm là quá dài để chờ đợi công lý và bồi thường. Chúng ta hãy cùng nhau đứng lên vì công lý và phẩm giá và chúng ta sẽ giành chiến thắng”.

 Chương trình nghệ thuật tái hiện nỗi đau da cam tại Việt Nam (Ảnh: KT)

Đại diện cho nạn nhân da cam Việt Nam, ông Nguyễn Như Khoa, dân tộc Mường, ở tỉnh Hòa Bình có 3 con bị nhiễm chất độc da cam chia sẻ: Hạnh phúc của nạn nhân chất độc da cam là được cộng đồng xã hội thấu hiểu và sẻ chia, được sống trong bầu không khí tràn ngập nghĩa đồng bào, tình đồng loại. Hơn ai hết, nạn nhân chất độc da cam rất cần những tấm lòng hào hiệp, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ, dù ít dù nhiều, bằng vật chất hay tinh thần đều là niềm vui sống của những mảnh đời cơ cực, là lời ru xoa dịu nỗi đau da cam.

Thay mặt cho hơn 3 triệu nạn nhân da cam Việt Nam, ông Nguyễn Như Khoa kêu gọi “Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ hãy đối diện với sự thật, tôn trọng công lý, dũng cảm thừa nhận trách nhiệm, nhanh chóng bồi thường thiệt hại mà các vị đã gây ra với đất nước tôi, đồng bào tôi”.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam