Năm 2023, có 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng cả nước là 14.860.109ha (rừng tự nhiên là 10.129.751ha; rừng trồng 4.730.157ha). Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.927.122ha (rừng tự nhiên 10.129.751ha, rừng trồng là 3.797.171ha), trong đó rừng đặc dụng 2.198.773ha, rừng phòng hộ 4.618.453ha, rừng sản xuất 7.109.196ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với cùng kỳ 2022, diện tích rừng bị tác động 1.047,8ha. Riêng 4 tháng đầu 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng với tổng diện tích bị tác động 182,2ha, giảm 75,7ha. Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Đối với công tác PCCCR, năm 2023, cả nước đã xảy ra 310 vụ, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5ha, trong đó diện tích rừng có khả năng phục hồi khoảng 487,5ha (do cháy lướt, cháy thực bì không ảnh hưởng đến rừng), diện tích rừng có khả năng tự phục hồi khoảng 187ha. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 498ha chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng EL Nino, sự bất cẩn của người dân trong đốt nương rẫy, sử dụng lửa trong rừng... đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác QLBVR thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại diện tích rừng phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách về bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về QLBVR và PCCCR; chủ động kế hoạch, phương án PCCCR trong những tháng cao điểm mùa hanh khô; quan tâm chăm lo đời sống cho lực lượng bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong QLBVR và PCCCR để giám sát, theo dõi diễn biến rừng, tăng cường năng lực của công tác QLBVR hiệu quả, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp QLBVR và đất lâm nghiệp, PCCCR...
Tiến Mạnh