Những người Ninh Thuận tôi đã viết

Một đồng đội của tôi vừa nhắn: “Sao em không về thăm Ninh Thuận?”. Lời nói thương yêu làm tôi bồi hồi xúc động. Vậy là hơn hai năm rồi, vì bận công việc nên tôi chưa về lại Ninh Thuận.

(NTO) Nhớ Ninh Thuận là tôi nhớ những con người chân chất, hiền hoà mà đầy khát khao cống hiến. Có lần trên xe chở đoàn cán bộ đi tập huấn, tôi mang theo tờ Đặc san Ninh Thuận kỷ niệm Ngày giải phóng quê hương Ninh Thuận, trong đó có bài của tác giả Xuân Bính về Đại tá Lê Văn Chín, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh. Bài viết xúc động đến mức tôi đã đọc to lên cả xe cùng nghe. Các cô gái mắt đỏ hoe. Vào Ninh Thuận, tôi đến ngay nhà anh Chín, thắp nén hương cho má anh. Chạm vào nỗi đau, anh Chín bật khóc, kể về bà má liệt sĩ của mình, người đã bị vùi lấp trong đống xác ở Bệnh viện Phan Rang năm nào và anh mới 15 tuổi đã cùng chị đào bới để đưa xác mẹ về quê chôn cất. Anh kể về cha, hai anh trai và chị gái của anh đã lần lượt ngã xuống để giải phóng quê nhà. Anh lại rơi lệ khi kể về niềm hạnh phúc có cậu con trai lớn trở thành một sĩ quan quan đội; về đứa con trai út bệnh tật tưởng chừng không qua khỏi nhờ hồng phúc ông bà đã dần bình phục. Bài viết “Giọt nước mắt tháng Tư” khai thác dưới một góc cạnh khác, tiếp tục lấy nước mắt người đọc và làm đồng đội của anh Chín thêm hiểu về anh.

Các đại biểu BCH QS tỉnh Ninh Thuận chụp ảnh cùng đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 5
tại Đại hội Thi đua Quyết Thắng.

Tôi biết Trung tá Trần Nhân Đức, Trưởng ban Dân vận Bộ CHQS tỉnh đã lâu. Rong ruổi với anh trên nhiều chuyến đi về Bác Ái, các đợt cứu trợ nhân dân, tôi yêu mến người lính có cái tên đặc biệt này. Có lần tôi trêu: “Tên anh đúng là vận vào người. Cha mẹ anh khéo đặt!”. Không ngờ anh kể câu chuyện thật thú vị. Đơn vị anh có đến 2 Trần Văn Đức. Trong một lần lá thư người yêu của anh bị trao nhầm qua bạn đồng tên, đại đội trưởng ở đơn vị chiến sĩ mới đã quyết định đặt cho anh là Nhân Đức. Cái tên đẹp đẽ ấy đã làm thay đổi cả cuộc đời anh. Anh đã trở hành một cán bộ năng nổ, nhiều năm liền được then thưởng. Bài viết: “Tận tâm với chữ nhân” đăng trên báo Ninh Thuận năm 2010, đem dến cho người đọc một sự chiêm nghiệm thú vị.

Có lần về Ninh Hải, tôi tác nghiệp qua 3 xã, đến Thanh Hải thì đã 11 giờ trưa. Xã đội trưởng Đỗ Mỹ vẫn chờ chúng tôi (sau đó tôi biết rằng nhà anh đang có đám giỗ, nhưng anh giao lại cho vợ con). Khi chúng tôi yêu cầu, anh gọi điện thoại cho 4 dân quân tiêu biểu lên trụ sở UBND xã. Kẻ ở nhà, người ở bến, trời thì nắng đến thế, nhưng chỉ 20 phút sau anh em đã tập hợp đầy đủ, quân phục chỉnh tề như đi làm nhiệm vụ. Họ kể cho chúng tôi nghe về những chuyến ra khơi đánh cá mang trách nhiệm của người chiến sĩ. Bài viết “Dân quân biển Ninh Hải giỏi lắm!”, khẳng định quyết tâm của người lính sao vuông trong bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Nhớ Ninh Thuận là tôi nhớ Đại tá Đào Thanh Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự địa phương tỉnh. Anh đã để lại dấu ấn sâu đậm trên cương vị Chỉ huy trưởng Ban CHQS Ninh Phước. Nhiều năm liền, cơ quan quân sự huyện dẫn đầu phong trào thi đua, được đại diện báo cáo tại Đại hội thi đua quyết thắng Quân khu 5 năm 1999. Các bài viết về anh và Ninh Phước đã giúp các địa phương hiểu thêm một điển hình. Khi anh về Trường Quân sự vẫn nhiệt huyết ấy đã cùng CB-CS xây dựng trường trở thành tốp đầu về chất lượng giảng dạy và thực hiện chính quy ở khu vực miền Trung. Thân thiết qua từng bài báo, anh Tùng đã coi tôi như em gái, để tôi thấy thêm ấm áp mỗi lần về Ninh Thuận.

Đầu tháng 6 vừa qua, trong dịp nói chuyện với đội ngũ người làm báo ở Đà Nẵng, Đại tá Lê Anh Thơ, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 đã hết lời khen ngợi Trung uý chuyên nghiệp Trần Văn Hải, chuyên mục “Quốc phòng toàn dân” Bộ CHQS Ninh Thuận. Chuyến đi về Bác Ái cuối năm 2010, Hải phải lội dòng nước chảy cuồn cuộn để quay phim, rồi lại tức tốc về tỉnh viết tin, dựng hình gửi kịp ra VTV1 nội dung Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng gạo cho bà con vùng lũ. Vài mươi giây xuất hiện trên truyền hình là cả sự nhọc nhằn của người phóng viên ở cơ sở. Tôi càng thêm nể phục Hải khi mà trong hoàn cảnh con gái đầu bị bệnh, phải thường xuyên đưa vào Tp. Hồ Chí Minh chữa trị, vợ không việc làm, nhà còn ở tạm (sau này anh đã được Bộ CHQS tỉnh tặng Nhà đồng đội), vậy mà, Hải vẫn luôn có mặt tên từng cây số bám cùng hoạt động đơn vị. Trần Văn Hải đã trở thành nhân vật của tôi và thông qua bài viết, tại Hội nghị cộng tác viên Quân khu 5, Cục Chính trị đã tặng quà hỗ trợ anh vượt qua khó khăn…

Làm sao tôi có thể kể hết về người Ninh Thuận tôi đã gặp và đã viết hơn 10 năm qua. Nắng gió khắc nghiệt làm cho khí chất họ thêm mạnh mẽ. Tôi yêu những con người ấy biết bao!