Tự hào là vùng đất sinh ra người con ưu tú của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển quê hương. Diện mạo nông thôn mới ở vùng quê này đang ngày càng khởi sắc. Nơi đây cũng là địa danh, địa chỉ đỏ để du khách đến tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa trong hành trình về với Phú Yên.
Di tích Thành An Thổ, nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu, tranh ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú.
Khởi sắc nông thôn mới
Về xã An Dân (huyện Tuy An) trong những ngày này dễ dàng nhận thấy nhiều đổi thay của một vùng quê bên dòng sông Ngân Sơn. Con đường bê tông dẫn vào Di tích Thành An Thổ rộng hơn 5m đỏ rực cờ hoa chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024). Các tuyến đường bê tông trong từng thôn, xóm khang trang, sạch đẹp, trồng hoa hai bên đường. Nhiều căn nhà mới cao tầng được xây dựng khiến cho vùng nông thôn thêm tươi mới.
Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, ông Trần Văn Khoa, thôn Phú Mỹ, xã An Dân chia sẻ, nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới nên đường làng, nhà văn hóa thôn… được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đây là thành quả từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và sự góp công, góp của của nhân dân trong xã…
Xã An Dân hiện có 2.700 hộ dân, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 47,5 triệu đồng/người. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây dần được cải thiện nhờ chính quyền địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất như: trồng ngô sinh khối, trồng lúa giống, nuôi bò lai, làm bún bắp, đan lát gia công… Vụ lúa Đông - Xuân năm nay, nông dân ở An Dân càng vui hơn khi năng suất cao từ 70-80 tạ/ha, giá thu mua lúa khoảng từ 8.000-10.000 đồng/kg nên người dân thu lãi cao hơn so với nhiều vụ trước.
Chị Phạm Thị Ngọc Minh (thôn An Thổ, xã An Dân) cho biết, khu vực này người dân sản xuất nông nghiệp là chính nhưng đã từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để năng suất cao hơn. Khi mùa màng được mùa, được giá, nông dân càng phấn khởi. Ngoài công việc làm nông, nhiều phụ nữ trong thôn còn nhận đan lát thủ công các mặt hàng lưu niệm cho thu nhập bình quân hơn 100.000 đồng/ngày. Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định nên cuộc sống gia đình ngày càng đi lên. Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, người dân có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn, mở rộng đường bê tông nông thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Từ nhiều nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, năm 2018, xã An Dân được UBND tỉnh Phú Yên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đối với các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 xã đạt 16/19 tiêu chí. Xã An Dân hiện đang huy động nhiều nguồn lực để thực hiện 3 tiêu chí chưa đạt theo Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân và tạo chuyển biến mạnh mẽ diện mạo nông thôn mới.
Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Phú Mỹ (xã An Dân) vừa được xây dựng mới khang trang nhờ sự đóng góp của người dân.
Ông Nguyễn Đại Dương, Phó Chủ tịch UBND xã An Dân cho biết, để giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư nâng cấp đường giao thông với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp từ cổng văn hóa thôn An Thổ đến Khu di tích Thành An Thổ. Ngoài ra, một số tuyến kênh, mương phục vụ sản xuất cũng được kiên cố hóa. Các tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã được trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quang sạch đẹp.
Đối với 3 tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, xã đã đề xuất UBND huyện Tuy An đầu tư 3 trường học đạt chuẩn các mức độ với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Địa phương kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất với người dân để tạo thành các chuỗi sản phẩm chủ lực, thực hiện bao tiêu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân thu gom thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn vệ sinh để đảm bảo tiêu chí về môi trường.
Điểm đến văn hóa, lịch sử
Không chỉ là nơi sinh của Tổng Bí thư Trần Phú, Thành An Thổ còn là trung tâm chính trị của tỉnh Phú Yên từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1899. Với những giá trị khảo cổ và lịch sử, Thành An Thổ được xếp hạng Di tích khảo cổ quốc gia vào năm 2005.
Thành An Thổ được chính quyền địa phương thường xuyên duy tu, tôn tạo đảm bảo việc trưng bày các hiện vật khảo cổ; giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú. Từ đó, truyền tải đầy đủ những giá trị văn hóa, lịch sử đến học sinh, người dân và khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Di tích Thành An Thổ đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở địa phương cũng như cả nước. Chính quyền địa phương xem đây là “vốn quý” cần được giữ gìn và phát huy. Những năm qua, địa phương tiếp tục sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật về di tích để nội dung trưng bày ngày càng phong phú, hấp dẫn. Từ đó, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của khách tham quan và công tác giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên.
Đường vào Di tích thành An Thổ khang trang, sạch đẹp.
Huyện Tuy An nằm giữa thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên). Địa phương này được biết đến là điểm đến hấp dẫn du khách với các địa danh có phong cảnh nổi tiếng như: Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, Bãi Xép, Hòn Yến... Thành An Thổ và nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh như: Đền thờ Lê Thành Phương, địa đạo Gò Thì Thùng, đình Ngân Sơn, chùa Đá Trắng, Nhà thờ Mằng Lăng… cũng đang thu hút ngày càng nhiều du khách.
Trong định hướng phát triển kinh tế thời gian tới, tỉnh Phú Yên phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những địa danh giàu ý nghĩa văn hóa, lịch sử như Thành An Thổ sẽ trở thành những điểm kết nối không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch của địa phương.
Bên cạnh các tuyến du lịch kết nối di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được hình thành, tỉnh Phú Yên đang tập trung xây dựng các tuyến du lịch kết nối Di tích Thành An Thổ với các địa điểm du lịch khác trên địa bàn như: Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, Nhà thờ Mằng Lăng… để tạo nên điểm nhấn khác biệt trong hành trình về “Miền di sản Tuy An”.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, Di tích Thành An Thổ nằm trên địa bàn phân bố của nhiều điểm di sản nổi tiếng ở Phú Yên. Đó là điều kiện thuận lợi để kết nối Di tích này với các điểm di sản trên địa bàn nhằm xây dựng tuyến tham quan du lịch đặc sắc, từ đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển du lịch của huyện Tuy An nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.
Theo TTXVN/Báo Tin tức