“Sóng gió” thị trường tháng 7

(NTO) Nằm ngoài dự đoán của các nhà chuyên môn, giá cả hàng hóa tiêu dùng tháng 7/2011 trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng lại tiếp tục tăng sau khi đã “hạ nhiệt” ở tháng trước. Theo số liệu của Cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 1,22%, cao hơn nhiều so với chỉ số tăng 0,74% của tháng 6 vừa qua. Trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa tăng 1,64% và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,10%. Đáng nói là khu vực nông thôn chỉ số tăng 1,26% trong khi đó khu vực thành thị chỉ tăng 1,16%. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2010 CPI tăng 22,85%, so với tháng 12 năm 2010 (tức là sau 7 tháng) đã tăng đến 14,11% và tính bình quân 7 tháng của năm nay so với cùng thời gian này của năm trước chỉ số tăng 17,48%!.

Góp phần quan trọng trong việc đẩy chỉ số CPI của tháng 7 tăng phải kể đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với chỉ số tăng 2,30%. Trong đó, đặc biệt là giá thực phẩm tăng 3,49%. Nguyên nhân, do nguồn cung cấp thực phẩm một số tỉnh phía Bắc thiếu nên các thương nhân đã vận chuyển thực phẩm từ Nam ra Bắc đã làm cho giá thực phẩm trong tỉnh tăng . Đơn cử như giá bán lẻ thịt heo tăng 6,86%, giá thịt bò tăng 7,95%, giá thịt gia cầm tăng 3,17%, giá các loại thịt chế biến tăng 4,11%, giá các loại trứng tăng 1,50%; thủy sản tươi sống tăng 1,43%, rau các loại tăng 4,21%, riêng giá quả tươi giảm 4,29% do đang vào mùa thu hoạch.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ
TOÀN TỈNH - THÁNG 7/2011

Nhóm  đồ uống thuốc lá tăng 0,67% chủ yếu là thuốc lá tăng. Nhóm may mặc tăng 2,50% do chi phí đầu vào tăng đã làm cho vải các loại tăng 4,85%, quần áo may sẵn tăng 3,55%, giày dép tăng 0,36%, dịch vụ may mặc tăng 0,15%. Nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng giảm 0,22%. Đây là nhóm có mức giảm nhiều nhất trong tháng 7 và cũng là tháng giảm đầu tiên kể  từ đầu năm tới nay, chủ yếu do giá thép, giá  gas được điều chỉnh giảm. Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,88%, chủ yếu là đồ dùng trong gia đình tăng do vào mùa nắng nóng nên giá một số mặt hàng như chiếu trúc, chiếu cói, xà phòng và chất tẩy rửa tăng. Nhóm giáo dục tăng 0,52% chủ yếu là văn phòng phẩm tăng do chi phí đầu vào tăng và chuẩn bị vào năm học mới nên giá các mặt hàng vở, giấy, viết tăng 5,74% và dụng cụ học sinh tăng 4,99%. Nhóm giao thông tăng 0,21% chủ yếu là tăng giá phụ tùng xe; Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,20% chủ yếu là đồ dùng cá nhân tăng.

So với tháng trước chỉ số giá vàng tăng 1,07%, ngược lại chỉ số giá đô la Mỹ chỉ tăng 0,08%.

Tuy giá cả hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng nhưng sức mua không bị tác động lớn.  Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 đạt 646,4 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Trong số này thương nghiệp chiếm 79,29%, khách sạn-nhà hàng chiếm 12,79%, dịch vụ chiếm 7,88%. Tính chung tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đạt gần 3.539 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ…

Theo dự báo, giá cả tiêu dùng trong tháng 8 sẽ được kiềm chế tốc độ tăng bởi các chính sách điều hành của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng. Mặt khác, đối với tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý thị trường nhất là không để xảy ra những biến động bất thường về giá cả, gây mất ổn định thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 1006/KH-UBND tỉnh ngày 17/3/2011 về triển khai các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.