Tiến tới Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2024

Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ta đề ra phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) như sau:

PHÂN VÙNG RỦI RO ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Vùng có nguy cơ ảnh hưởng do bão: Gồm một phần Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện: Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam.

Vùng có nguy cơ ảnh hưởng do lũ và ngập lụt: Gồm một phần Tp. Phan Rang- Tháp Chàm và một phần các huyện: Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải, Bác Ái; khu vực các hộ dân dọc hai bên bờ Sông Cái từ đập Nha Trinh đến cuối Sông Cái.

Vùng có nguy cơ ảnh hưởng do hạn hán: Gồm một phần các huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái và Thuận Nam.

Vùng có nguy cơ sạt lở: Thuộc địa bàn huyện Ninh Sơn, với các nguy cơ: Sạt lở đường tại khu vực đèo Ngoạn Mục, khu vực tỉnh lộ 701, 706, 707; sạt lở núi, đất tại các khu vực phía Tây và phía Bắc thuộc khu vực một số xã: Ma Nới, Phước Bình, Phước Thành, Phước Kháng, Bắc Sơn, Phước Chiến, Phước Kháng, Phước Diêm.

PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI, ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Dự báo, cảnh báo kịp thời, hiệu quả và thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá các tác động của rủi ro thiên tai, BĐKH. Đảm bảo năng lực thích ứng với BĐKH của hệ thống cơ sở hạ tầng; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người dân.

Đập hạ lưu Sông Dinh. Ảnh: T.D

Xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai và BĐKH, đánh giá tác động của thiên tai và BĐKH đến mọi mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng liên quan đến lũ và ngập lũ, hạn và cạn kiệt nguồn nước, biển và thiên tai từ biển..., tập trung hơn vào các khu vực có nguy cơ thiên tai và tác động của BĐKH và nước biển dâng cao tại các khu vực ven biển, khu vực Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và các khu dân cư miền núi.

Xây dựng và nâng cấp hệ thống hồ chứa, đập dâng đảm bảo khả năng chống lũ thích ứng với BĐKH; nạo vét lòng dẫn, các lòng sông; củng cố hệ thống đê sông, đê biển; nghiên cứu tổng thể và các giải pháp tăng khả năng phòng lũ, thoát lũ hạ du; quy hoạch, bố trí dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông, sạt lở núi, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, vùng thường xuyên ngập lụt; tăng cường năng lực quan trắc khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa, thiết lập các trạm đo mưa tự động trên các lưu vực sông, hồ chứa trọng điểm.

Thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện mức kiểm kê và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon cấp quốc gia; thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải.

PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG LŨ CỦA CÁC TUYẾN SÔNG CÓ ĐÊ, PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÊ ĐIỀU VÀ KẾT CẤU HẠ TẦNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Thực hiện tốt công tác phòng, chống lũ trên các tuyến sông có đê thuộc hệ thống Sông Cái (Bắc hạ lưu Sông Cái và Nam hạ lưu Sông Cái). Xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê đảm bảo tiêu chuẩn phòng, chống lũ và kết hợp làm đường giao thông, cụ thể:

Các công trình phòng, chống lũ bờ Bắc hạ lưu Sông Cái: Tu bổ, nâng cấp những đoạn xây dựng từ lâu thuộc tuyến đê bờ Bắc Sông Dinh bảo vệ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông từ đập Nha Trinh đến cửa biển các đoạn xung yếu bao gồm: Kè chống sạt lở bảo vệ bờ tả Sông Cái khu vực thôn Nha Hố, kè chống sạt lở bảo vệ bờ tả Sông Cái khu vực Nhơn Sơn, kè chống sạt lở bảo vệ bờ tả Sông Cái đoạn từ Nhơn Sơn đến Cầu Móng, kè chống sạt lở bảo vệ bờ tả Sông Cái kết hợp đường ven sông.

Các công trình phòng, chống lũ bờ Nam hạ lưu Sông Cái: Đê cửa sông Phú Thọ bảo vệ các khu dân cư vùng cửa sông; xây dựng hệ thống công trình kè chống sạt lở bảo vệ bờ hữu sông từ đập Nha Trinh đến cửa biển.

Các công trình chống sạt lở bờ biển: Xây dựng và nâng cấp các công trình chính, gồm: Đê biển bảo vệ khu dân cư Thanh Hải và khu vực Hòn Đỏ nối từ đầu kè Mỹ Tân (phía Nam) đền đầu kè Mỹ Hiệp phía Bắc; kè Mỹ Hiệp và kè Mỹ Tân thành đê; đê biển bảo vệ khu nuôi giống thủy sản và khu nuôi tôm trên cát An Hải; đê biển bảo vệ khu dân cư ven biển Phước Dinh; kè chống sạt lở bờ biển bảo vệ khu dân cư từ cửa ra cảng Cà Ná đến Hòn Cò.

Xây dựng hệ thống mốc cảnh báo lũ bổ sung: Dọc hai bờ Sông Dinh và cho các khu dân cư thường xuyên xảy ra ngập lụt khu vực bờ Nam Sông Dinh. Tổ chức các điểm cứu hộ, sơ tán dân đến từng xã vùng nguy cơ cao, bố trí kho dự trữ nhu yếu phẩm cần thiết tại các điểm tránh trú.