Tiến tới Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2024

Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ta đề ra phương án phát triển mạng lưới giao thông và cấp điện như sau:

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG

Đường bộ

- Đường bộ quốc gia: Thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) với quy mô quy hoạch 6 làn xe qua địa bàn tỉnh; 3 tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B.

- Mạng lưới đường tỉnh: Nâng cấp, cải tạo 10 tuyến đường tỉnh hiện có đạt quy mô tối thiểu đường cấp III, IV (trong đó điều chỉnh kéo dài 8 tuyến). Phát triển 7 tuyến đường tỉnh mới và 2 tuyến đường kết nối từ cảng Cà Ná đến khu vực Nam Tây Nguyên và kết nối huyện Ninh Sơn với huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng nhằm tăng cường kết nối các khu vực trong tỉnh và kết nối liên vùng với quy mô tối thiểu đường cấp III, IV. Đối với các đoạn tuyến đi qua đô thị, đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch đô thị; đối với các đoạn tuyến đi qua các khu dân cư tập trung, nghiên cứu quy mô, hướng tuyến theo điều kiện đặc thù khu vực. Đường bộ ven biển gồm một tuyến được nâng cấp từ ĐT.701, ĐT.702 với quy mô tối thiểu đường cấp III. Phát triển một số tuyến đường mới nhằm tăng cường kết nối giữa các khu vực, khu chức năng với các tuyến đường tỉnh, khu đô thị tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III; nâng cấp hệ thống giao thông đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển.

Các đơn vị thi công tuyến đường từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi Tà Năng (Đức Trọng). Ảnh: V.Nỷ

Đường sắt

Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt được phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đường sắt quốc gia:

+ Giai đoạn đến năm 2030: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi, khổ 1.435mm.

+ Giai đoạn đến năm 2050: Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Trong trường hợp địa phương hoặc nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai sớm hơn.

- Đường sắt chuyên dụng: Phát triển tuyến đường sắt nối từ cảng tổng hợp Cà Ná đến ga Cà Ná nhằm phát triển vận tải đa phương thức trên địa bàn tỉnh, khổ 1.000mm.

Hàng không

Định hướng phát triển sân bay đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023. Trong đó: Phát triển sân bay Thành Sơn thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng, quy mô sân bay cấp 4C.

Hạ tầng hàng hải

- Cảng biển: Định hướng phát triển cảng biển theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, gồm:

+ Khu bến Cà Ná: Tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí trọng tải lên đến 100.000DWT và lớn hơn khi đủ điều kiện.

+ Khu bến Ninh Chữ: Gồm các bến tổng hợp, bến khách, hàng lỏng tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 10.000 tấn.

- Cảng cạn: Định hướng phát triển cảng cạn theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 22/8/2023, gồm:

+ Cảng cạn Cà Ná: Cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu công nghiệp của tỉnh ở phía Nam, phân phối hàng hóa nhập khẩu cho khu vực và vùng lân cận; năng lực thông qua 150.000-200.000 Teu/năm.

+ Cảng cạn Lợi Hải: Cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu công nghiệp của tỉnh ở phía Bắc, phân phối hàng hóa nhập khẩu cho khu vực và vùng lân cận; năng lực thông qua 50.000-70.000 Teu/năm.

Đường thủy nội địa

Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021.

- Đường thủy nội địa địa phương: Phát triển mới 3 tuyến nhằm phục vụ phát triển du lịch (luồng Ninh Chữ - Mũi Dinh - Cà Ná; luồng Bình Sơn - Hòn Đỏ - Thái An - Vĩnh Hy; luồng Bình Tiên - Bãi Kinh - Vĩnh Hy) kết nối các bến, cụm bến du lịch được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

- Bến thủy nội địa địa phương: Phát triển mới 10 bến thủy gắn với các điểm du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh, gồm: 5 bến thủy tại huyện Ninh Hải là các bến: Bãi Kinh, Vĩnh Hy, Thái An, Bình Tiên, Hòn Đỏ; 2 bến thủy tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là bến: Bình Sơn - Ninh Chữ, bến Đông Hải; 2 bến tại huyện Thuận Nam là bến Mũi Dinh, bến Cà Ná; 1 bến du thuyền Ninh Chữ tại huyện Ninh Hải.

Công trình giao thông khác

- Bến xe khách: Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến xe khách tại các huyện, thành phố khi đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

- Bãi đỗ xe công cộng: Xây dựng các bãi đỗ xe công cộng trong khu vực trung tâm các huyện, thành phố và tại vị trí các khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, khu hành chính. Đồng thời, xây dựng các chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe công cộng tại các địa phương.

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẤP ĐIỆN

Nhà máy điện

- Giai đoạn 2021-2030: Xây dựng trung tâm điện lực (sử dụng nguồn nguyên liệu LNG) với quy mô công suất 1.500MW tại khu vực cảng Cà Ná trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Giai đoạn tiếp theo, nghiên cứu, đề xuất phát triển thêm với công suất tiềm năng 4.500MW khi đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, nâng tổng quy mô công suất lên thành 6.000MW. Nghiên cứu, phát triển các nguồn điện có tiềm năng như nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời tự tiêu, nhà máy thủy điện, thủy điện tích năng, nhà máy sinh khối, nhà máy điện rác, nhà máy địa nhiệt và nhà máy điện khí sinh học để khai thác tối đa tiềm năng sẵn có trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Lưới điện 500kV

Xây dựng mới 2 trạm 500kV tại các huyện Ninh Sơn và Thuận Nam, với quy mô tổng công suất 4.500MW. Xây dựng mới 9 tuyến đường dây 500kV (2 mạch và 4 mạch), với tổng chiều dài 1.168km để đấu nối các trạm 500kV và các nhà máy thủy điện tích năng và các nhà máy LNG.

Lưới điện 220kV

Cải tạo nâng công suất trạm 220kV Ninh Phước, từ 1 máy biến áp lên thành 2 máy biến áp nâng tổng quy mô tổng công suất 500MW; cải tạo nâng công suất trạm 220kV thủy điện Đa Nhim từ 63MW lên thành 250MW, đồng thời bổ sung thêm 1 máy biến áp 125MW nâng tổng quy mô công suất lên thành 375MW; xây dựng mới 3 trạm 220kV với quy mô tổng công suất 1.605MW; xây dựng mới 1 trạm cắt 220kV Đa Nhim để giải tỏa nguồn điện khu vực do trạm 220kV thủy điện Đa Nhim không mở rộng được ngăn lộ 220kV. Xây dựng mới 16 tuyến đường dây 220kV (1 mạch và 2 mạch), với tổng chiều dài 351km để đấu nối với các trạm 220kV, các nhà máy thủy điện, các nhà máy điện gió và các nhà máy điện mặt trời.

Lưới điện 110kV

Cải tạo nâng cấp các công trình đường dây và trạm 110kV hiện hữu không đảm bảo chất lượng; xây dựng mới các công trình đường dây và trạm 110kV để đảm bảo cấp điện cho nhu cầu phát triển của phụ tải trên địa bản tỉnh cũng như khu vực lân cận và đảm bảo tiêu chí N-1.

Lưới điện sau 110kV

Cải tạo và xây dựng mới các nhánh chính, nhánh rẽ trung thế đảm bảo cấp điện cho các khu dân cư. Đầu tư xây dựng các lộ xuất tuyến ra sau các trạm 110kV, tăng cường tiết diện và liên kết mạch vòng các tuyến trục chính để khai thác hiệu quả các trạm 110kV. Phát triển lưới điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu dân cư đô thị, các dự án năng lượng, các cơ sở kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh.