Để tiết kiệm nước tưới trong mùa khô hạn, giữa năm 2023, gia đình bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Ma Ty, xã Phước Thắng (Bác Ái) đầu tư hơn 70 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho gần 2,4ha đất trồng mía, hiện mía của gia đình bà được hơn 2 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Bà Oanh cho biết: Đây là vụ đầu tiên gia đình tôi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống này có nhiều ưu điểm như: Giảm công lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn nước tưới, đồng thời đảm bảo độ ẩm cho cây mía phát triển, đặc biệt trong mùa khô hạn. Hiện nay gia đình tôi đang tiến hành bón phân đợt một cho cây mía phát triển. Cũng như gia đình bà Oanh, mặc dù đang trong mùa khô nhưng vườn cây ăn quả với diện tích trên 0,5ha của gia đình ông Chamaléa Quê ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính (Bác Ái) vẫn phát triển tốt nhờ hệ thống tưới phun mưa. Ông Quê cho biết: Vườn cây ăn quả của gia đình tôi trồng được gần một năm tuổi với các giống như: Mít Thái, xoài, chuối, sapôchê. Nguồn nước được lấy từ suối Cây Cau cũng ổn định. Từ ngày áp dụng mô hình này tôi thấy rất hiệu quả, một tuần mình tưới cho cây trồng 2 lần, chỉ cần mở mô-tơ lên là phun thôi nhờ đó giúp độ ẩm trong đất cao, rễ phát triển giúp cây trồng sinh trường và phát triển tốt.
Nhờ áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt giúp rẫy mía của gia đình bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Ma Ty,
xã Phước Thắng (Bác Ái) phát triển tốt trong mùa khô.
Tại xã An Hải (Ninh Phước), thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án, địa phương đã tập trung hỗ trợ bà con lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm như: Tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương nhằm giúp người dân sản xuất hiệu quả trên vùng đất cát. Sản xuất ở vùng đất cát nhưng hơn 3 sào măng tây xanh của gia đình chị Châu Thị Thủy ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải vẫn phát triển xanh tốt nhờ có đủ nước tưới. Chị Thủy tâm sự: Áp dụng mô hình tưới phun mưa giúp cây măng tây xanh đạt năng suất cao nhờ độ ẩm trong đất lúc nào cũng được duy trì; đồng thời giúp mình bớt thời gian theo nước, thao tác dễ dàng và tiết kiệm điện hơn so với tưới tràn. Ông Từ Công Ý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho biết: Hiện nay diện tích đất sản xuất các loại cây trồng trên địa bàn xã khoảng 300ha trong đó, bà con đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm khoảng 200ha. Thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động bà con lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, nhằm tiết kiệm nước, tiết kiệm nhân công, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đầu tư, ứng dụng công nghệ tưới tự động tiết kiệm nước đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương ở tỉnh ta, đặc biệt ở những vùng sản xuất thường xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Thực tế cho thấy, với việc mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tưới nước tự động như: Tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới phun sương... giúp nông dân giảm khoảng 30% lượng nước tưới và chi phí đầu tư, đồng thời sản xuất được ngay cả trong mùa khô hạn. Bên cạnh đó, giúp người dân giảm công lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất. Với hiệu quả mang lại, hiện nay tỉnh ta có gần 2.000ha, trong đó hơn 800ha cây lâu năm và gần 1.200ha cây hằng năm ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt.
Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp tưới nước tiết kiệm sẽ mang lại hiệu quả rất lớn như: Giảm chi phí, tiết kiệm nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt khác. Hướng tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tiết nước hợp lý góp phần đảm bảo diện tích tưới tránh tình trạng thiếu nước cục bộ trong mùa hạn...
Kha Hân