Ninh Sơn là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh ta; đây cũng là vùng nguyên liệu mía chủ yếu của Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang. Tuy nhiên, ngành mía đường trong những năm qua luôn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trước tác động của diễn biến thị trường, thời tiết khí hậu bất thường... gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang, cho biết: Trước mỗi niên vụ trồng, công ty luôn chủ động phối hợp với các địa phương rà soát các diện tích có thể trồng mía, triển khai các chương trình hỗ trợ cho nông dân. Mặc dù, kinh phí đầu tư tương đối lớn nhưng công ty vẫn xác định đây là định hướng lâu dài, nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành mía đường trong nước cũng như tăng lợi nhuận cho hộ trồng.
Nông dân Ninh Sơn thu hoạch mía niên vụ 2023-2024.
Niên vụ mía 2023-2024, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang thực hiện ký kết hợp đồng với người dân trồng trên 2.400ha mía. Theo đó, để khuyến khích người dân trồng mía, công ty đã thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ cây ngắn ngày, vùng đất trống, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha; riêng cây lâu năm, lúa nước được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha. Đặc biệt, thông qua chính sách gia tăng năng suất mía, công ty thực hiện đầu tư hỗ trợ vốn, vật tư, dịch vụ cơ giới hóa phục vụ canh tác đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch; triển khai các giải pháp kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua phương thức tưới mía, gel giữ ẩm, cày ngầm trong đất, bón phân hữu cơ hợp lý; cùng với đó cam kết bảo hiểm giá mua mía tối thiểu 1 triệu đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường tại ruộng... Từ các chính sách đề ra của công ty giúp nông dân yên tâm bám đất sản xuất. Anh Trần Văn Tôn, thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn, chia sẻ: Vụ mía 2023-2024, gia đình tôi trồng hơn 5ha giống mía K95-84, công ty cử cán bộ kỹ thuật bám đồng, hướng dẫn bà con trong suốt quá trình sinh trưởng của cây mía, cho năng suất đạt trung bình từ 75-80 tấn/ha, sau khi trừ chi phí vật tư, chi phí vận chuyển, gia đình có lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ha. Các chính sách hỗ trợ của công ty trong thời gian qua đã tạo niềm tin cho nông dân địa phương gắn bó hơn với cây mía, việc liên kết sản xuất trên quy mô lớn không ngừng được nhân rộng.
Ông Nguyễn Quốc Việt, cho biết thêm: Bám sát tinh thần Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, công ty tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ theo từng niên vụ, nhất là nghiên cứu các giống mới và đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào thâm canh trong sản xuất. Bên cạnh đó, đề xuất kiến nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất đầu tư để hỗ trợ phát triển cơ giới hóa trong sản xuất; đầu tư hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông... Trước mắt, trong niên vụ mía 2024-2025, công ty sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ nông dân hình thành và phát triển vùng nguyên liệu từ 2.400-2.700ha, phấn đấu năng suất đạt trung bình 75 tấn/ha, đáp ứng đủ sản lượng mía ép theo kế hoạch.
Đăng Khôi