Một trong những bước cải cách mà chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các hệ thống phòng giao dịch các huyện, thành phố đang triển khai đó là đổi mới quy trình vay vốn. Nếu như trước đây, hồ sơ vay của người dân bao gồm nhiều loại giấy tờ khác nhau thì hiện nay tất cả thủ tục đều được tích hợp trong một cuốn sổ có mã số khách hàng (KH) riêng để sử dụng trong suốt quá trình vay vốn Ngân hàng CSXH. Chị Đạo Thị Xuân Anh, thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước), chia sẻ: Năm 2022, được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, giới thiệu vay vốn của Ngân hàng CSXH, tôi đại diện cho gia đình viết đơn theo mẫu in sẵn rồi nộp cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, sau đó ban quản lý tổ lập danh sách, chuyển qua chính quyền địa phương xác nhận, đề nghị Ngân hàng CSXH xem xét, phê duyệt. Chỉ sau vài ngày, gia đình đã được ngân hàng giải ngân 80 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo. Nhờ đó, tôi có điều kiện cải tạo lại đất trồng 2 sào măng tây xanh và nuôi thêm 5 con bò, cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Cán bộ chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân.
Cùng với đổi mới quy trình xét duyệt, thẩm định cho vay, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh còn quan tâm, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch (ĐGD) xã. Vào ngày cố định hằng tháng, mọi hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm đều được thực hiện ngay tại ĐGD xã, khách hàng vay vốn không cần phải đến trực tiếp ngân hàng, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian đi lại trong quá trình thực hiện giao dịch. Chị Đạo Thị Bích Liên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), cho biết: Tại các ĐGD xã đều thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi mới để người dân dễ dàng nắm bắt; đồng thời, các tổ trưởng quản lý tổ được họp giao ban với cán bộ tín dụng để trao đổi tình hình vốn vay cũng như các khó khăn, vướng mắc, từ đó có hướng tháo gỡ kịp thời. Hiện nay, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đặt các ĐGD xã tại 65/65 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, với mạng lưới giao dịch xã rộng khắp cùng với hoạt động của 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác và 1.611 tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần đưa vốn tín dụng CSXH đến người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Đáng ghi nhận hơn, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, phù hợp với xu thế thời đại công nghệ số, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh còn tập trung nguồn lực để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, thông qua việc cài đặt ứng dụng VBSP SmartBanking. Qua thời gian triển khai, đến nay có nhiều KH thực hiện giao dịch với ngân hàng mọi lúc, mọi nơi trên điện thoại thông minh.
Bằng những giải pháp linh hoạt, cụ thể trong cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ các chương trình cho vay. Qua 2 tháng đầu năm 2024, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân số tiền 201 tỷ đồng/3.799 KH; nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng so đầu năm, với 81.521 KH đang sử dụng vốn.
Theo ông Lê Minh Lộc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, với quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao trong năm 2024, chi nhánh tăng cường chỉ đạo cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của ĐGD xã, tổ tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp cùng với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong quản lý, tổ chức bình xét cho vay; cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học - công nghệ, định hướng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hồng Lâm