Dịch vụ, thương mại tăng trưởng đầu năm

Trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ghi nhận thực tế tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tình hình mua bán vẫn diễn ra sôi động. Các siêu thị lớn như: Co.opmart Thanh Hà, WinMart, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh... lượng khách đến mua sắm có sự tăng trưởng cao, tăng từ 5-10%, doanh thu tăng từ 15-20% với cùng kỳ năm trước. Để kích cầu tiêu dùng, mua sắm, các siêu thị, trung tâm thương mại liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn. Bên cạnh bán hàng trực tiếp, các đơn vị, doanh nghiệp còn đẩy mạnh bán hàng trực tuyến để đón đầu xu hướng mua sắm online ngày càng thịnh hành của người tiêu dùng.

Đơn cử như tại Co.opmart Thanh Hà, nhằm kích cầu tiêu dùng, nhất là trong những dịp lễ, Tết, siêu thị đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi lớn như “Đến Co.op chở Tết về”, “Tô điểm sắc Tết rước lộc bình an” giảm giá đến 50% các sản phẩm may mặc và đồ dùng gia đình, “Mua 2 tính tiền 1”... Nhờ đó, doanh thu của siêu thị các ngày giáp Tết, đạt từ 1,4-2,1 tỷ đồng/ngày; hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh doanh thu trung bình 800 triệu đồng/ngày, tăng 20% so với cùng kỳ.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà.

Theo Sở Công Thương, nhờ các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi đã kích cầu, thu hút lượng người tiêu dùng mua sắm rất nhộn nhịp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 1/2024 đạt 3.533,3 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.695,15 tỷ đồng, tăng 11,52% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 532,14 tỷ đồng, tăng 8,77%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,26 tỷ đồng, tăng 17,17%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 304,75 tỷ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 38 chuyến bán hàng lưu động về 27 xã của 6 huyện đưa hàng hóa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, với doanh thu đạt hơn 170 triệu đồng và tổ chức 11 điểm bán hàng cố định phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Nhìn chung dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán 2024 thị trường địa bàn tỉnh bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa không xảy ra biến động tăng giá, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực từ sớm cùng với chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn, dự báo sức mua trên thị trường vẫn tiếp đà tăng trưởng trong tháng 2 khi vẫn còn nhiều hoạt động vui xuân, lễ hội.

Để doanh thu từ lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng, thời gian tới ngành Công Thương, tăng cường phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương. Tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, góp phần bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung - cầu hàng hóa ổn định, chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng.