Nắng xuân giữa đại ngàn

Trở lại huyện Bác Ái trong những ngày đầu xuân mới, đi từ xã Phước Tiến đến trung tâm xã Phước Đại, Phước Thành, Phước Trung... trên các trục đường thôn, xóm cờ Tổ quốc và khẩu hiệu mừng Đảng, mừng xuân được treo khắp nơi. Bác Ái hôm nay đang khoác lên mình màu áo mới đẹp tươi của sự đổi thay, no ấm và chuyển mình phát triển.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái phấn khởi cho biết: Nổi bật trong phát triển kinh tế của huyện Bác Ái thời gian qua là đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi. Nhờ đó đến nay huyện đã quy hoạch 3 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại 3 xã: Phước Trung, Phước Tiến và Phước Thắng, thu hút được 5 doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất với các loại cây trồng và vật nuôi như: Mía, dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ...

Trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: V.M

Toàn huyện có 27 mô hình ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động trên các loại cây ăn quả và cỏ chăn nuôi; 7 mô hình sản xuất lan, dưa lưới trong nhà lưới, nhà màng; sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng các chế phẩm men vi sinh trong bảo vệ môi trường chăn nuôi, ủ phân và cắt đứt nguồn bệnh khi thải ra môi trường; mô hình trang trại chăn nuôi heo liên kết với công ty CP và CJ; mô hình sử dụng các chế phẩm men trong ủ chua thức ăn cho gia súc từ thân cây mì, bắp. Toàn huyện đã phát triển 24 trang trại chăn nuôi có liên kết với các DN chăn nuôi theo chuỗi khép kín, 7 trang trại trồng trọt, 6 trang trại tổng hợp và 1 trang trại thủy sản, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Tận dụng lợi thế vùng núi, diện tích đất tự nhiên rộng, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, thời gian qua, huyện Bác Ái đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, giúp tổng đàn gia súc của huyện tăng nhanh qua từng năm, đến nay trên địa bàn huyện đã phát triển đàn gia súc trên 92.000 con, trong đó: Đàn trâu trên 1.100 con; đàn bò trên 22.800 con; đàn dê, cừu trên 19.800 con; đàn heo gần 48.500 con. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Bác Ái đã triển khai nhiều giải pháp thu hút sự tham gia của DN, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm khơi dậy tiềm năng các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Qua đánh giá, phân loại xếp hạng sản phẩm đến cuối năm 2022 toàn huyện có 6 sản phẩm OCOP/5 chủ thể được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao (rượu chuối mồ côi, bưởi da xanh, hạt chuối cô đơn, dưa lưới SunFarm, hạt điều Chapi, gạo Phước Chính).

Đến thăm mô hình nuôi cá tầm ở xã Phước Bình mới thấy được lợi thế về điều kiện tự nhiên và khí hậu ở xã vùng cao để giúp người dân phát triển kinh tế. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương có nguồn nước trong lành, nền nhiệt ổn định từ 18-24 độ C rất thích hợp để nuôi cá tầm nước ngọt, ông Nguyễn Viết Thùy ở xã Phước Bình đã đầu tư trang trại nuôi cá tầm thương phẩm, mỗi năm cung ứng gần 150 tấn cá cho thị trường, mang về nguồn thu hàng tỷ đồng/tháng cho DN. Ông Thùy cho biết: Nếu như nuôi cá tầm ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng mất thời gian khoảng 13-14 tháng mới thu hoạch thì ở xã Phước Bình chỉ 11-12 tháng đã thu hoạch. Thành công với mô hình nuôi cá tầm, hiện DN tiếp tục thử nghiệm nuôi loại cá mú nước ngọt được nhập từ Australia. Mô hình nuôi mới này không chỉ mang lại thu nhập cao cho trang trại mà còn tạo ra việc làm cho người dân địa phương và góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của vùng đất Phước Bình đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp cùng với bản sắc văn hóa của các dân tộc: Raglai, Chu Ru... huyện đang từng bước đưa ngành du lịch phát triển đúng tiềm năng, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Trong đó, Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Phước Bình giai đoạn 2019-2022 bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, du khách đến tham quan, trải nghiệm năm sau cao hơn năm trước, nâng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch trên địa bàn huyện tăng trưởng bình quân 10%/năm. Tận dụng đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm, gia đình ông Đào Đây ở thôn Hành Rạc 2 trồng gần 1ha bưởi da xanh, chôm chôm và đầu tư xây dựng nhà sàn kết hợp làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình. Ông Đây chia sẻ: Trước đây gia đình tôi trồng cây ăn quả chủ yếu bán cho thương lái là chính, từ ngày tỉnh, huyện, xã tuyên truyền, vận động bà con trồng cây ăn quả kết hợp làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế nên tôi mạnh dạn thực hiện. Hiện nay, khách tham quan đến vườn trái cây của gia đình được trực tiếp hái và thưởng thức trái cây tại vườn, ngoài ra khách lưu trú nhà sàn của mình, được thưởng thức các sản vật của địa phương, nhờ đó giúp kinh tế gia đình tôi ngày càng phát triển đi lên.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đến cuối năm 2023, toàn huyện có 24/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (KH) đề ra. Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất 11,5%, đạt 100,1% KH; tổng diện tích gieo trồng đạt 13.263,8ha, đạt 115,3% KH; tổng đàn gia súc 93.290 con, đạt 101,4% KH; thu ngân sách trên địa bàn 13,83 tỷ đồng, đạt 118,7% KH; thu nhập bình quân đầu người 20,6 triệu đồng/người/năm, đạt 116,3% KH; tỷ lệ giao quân đạt 100% KH; phát triển đảng viên mới đạt 105,7%...

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tới, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa Bác Ái phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm là: Tăng cường đổi mới, tích cực phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của trung ương, của Tỉnh ủy về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, các Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ. Tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Tập trung nguồn lực quyết tâm đưa xã Phước Đại đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, triển khai có hiệu quả đề án đặc thù của Bác Ái. Đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng mối liên kết bền chặt giữa nông dân với DN tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động ở địa phương; hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương Bác Ái ngày càng giàu đẹp, văn minh...