Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân

Ngày 5/1/2024, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 65/UBND-VXNV gởi các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân

Văn bản nêu rõ: Theo báo cáo của ngành Y tế tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện 659 trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết, 630 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng, 93 trường hợp mắc bệnh Thủy đậu, 02 trường hợp mắc bệnh quai bị. Ngoài những bệnh kể trên, mùa Đông Xuân là mùa có nhiều nguy cơ các bệnh truyền nhiễm khác phát sinh và bùng phát dịch. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán 2024 và mùa Lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng với diễn biến thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc bệnh truyền nhiễm.

Thực hiện Công văn số 8147/BYT-DP ngày 22/12/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2023-2024;

Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Y tế:

- Thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

- Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, thường xuyên tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng; tuyên truyền vận động người dân giảm dụng cụ chứa nước không cần thiết, lật úp, thu gom loại bỏ dụng cụ phế thải. Phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc loại bỏ bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy”.

- Tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phối hợp triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị.

- Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; tăng cường truyền thông phòng bệnh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe.

- Tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 04 tại chỗ.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với ngành Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: Phối hợp với ngành Y tế tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch, thông báo kịp thời cho ngành Y tế để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.

5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí được bố trí từ dự toán chi ngân sách năm 2024 đã được giao để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đảm bảo theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo các phòng, ban và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đảm bảo kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống dịch bệnh.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả. Giao Sở Y tế theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.