Chuyện học ở thôn Tà Nôi

Vài năm trước, trong chuyến công tác về xã Ma Nới (Ninh Sơn), chúng tôi từng ghé thăm Trường Tiểu học Tà Nôi nằm trên địa bàn thôn Ta Nôi. Thời điểm ấy vào đầu mùa mưa, những con nước lớn từ thượng nguồn đổ về, cắt đứt tuyến đường bộ. Con đường duy nhất để đến thôn là phải băng rừng, dù cán bộ địa phương đã quen thuộc địa hình và đưa chúng tôi đi, nhưng không biết bao lần chúng tôi bị té ngã.

Trải nghiệm được những khó khăn càng thấm thía hơn những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức (CB,GV) nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo miền núi. Ngày nay, Tà Nôi mang diện mạo tươi sáng, sinh động và nhộn nhịp hơn nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với tuyến đường nối Tân Sơn (Ninh Sơn) đi Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng) được triển khai xây dựng, phá vỡ thế cô lập, phương tiện lưu thông qua lại dễ dàng hơn. Nhờ vậy mà người dân nói chung và CB,GV nhà trường cũng vơi đi vất vả.

Giờ thể dục của các em học sinh Trường Tiểu học Tà Nôi.

Trường có khuôn viên rộng gần 2.000m2, tựa mình yên bình bên cánh rừng xanh mướt, văng vẳng là tiếng học trò học chữ. Tất cả vẽ nên một một khung cảnh đầy trữ tình. Năm học này, nhà trường có 92 HS là con em đồng bào dân tộc thiếu số, biên chế tại 5 lớp. Các em được quản lý, dạy học bởi đội ngũ CB,GV 10 người. Được sự quan tâm của ngành Giáo dục nên về cơ bản, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được trang bị tương đối đầy đủ. Hiện nhà trường có 5 phòng học, 5 tivi, 2 máy chiếu và 12 máy tính, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học.

Mặc dù nằm trên dịa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, đội ngũ CB,VC nhà trường luôn nỗ lực bám trường, bám lớp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, từng ngày nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Pi Năng Hè, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, nhà trường đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo theo yêu cầu đề ra và phù hợp với điều kiện của nhà trường. Đội ngũ GV năng động, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học. Điểm sáng không thể không nhắc đến chính là công tác vận động HS đến lớp đúng độ tuổi và duy trì sĩ số luôn đạt 100%, góp phần vào thành quả chung đưa công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt mức độ 3. Đây là kết quả đáng trân trọng bởi sự dìu bước học trò của thầy, cô giáo được phụ huynh, người dân ghi nhận, từ đó bà con hiểu được hơn về giá trị của việc học đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ dạy chữ, CB,GV nhà trường còn giáo dục cho các em tình yêu nguồn cội, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; thực hiện chương trình dạy chữ Raglai được triển khai cho các em HS lớp 1, lớp 2, lớp 3, với chương trình 2 tiết/tuần; tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS sau giờ học chính thức và theo nhu cầu, sở thích dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, góp phần phát huy năng khiếu, sở trường HS. Chính vì vậy, khi chúng tôi tiếp xúc với các em luôn cảm nhận được năng lượng tích cực, niềm hạnh phúc được đến trường, sự hào hứng của các em trong từng giờ học. Không còn sự nhút nhát như vẫn thường thấy ở HS vùng cao trước đây, thay vào đó là sự nhanh nhẹn, thông minh và có phần lém lỉnh.

Với những thành quả đạt được trên hành trình “cõng chữ lên non” của CB,GV nhà trường, chúng tôi tin rằng từ đây sẽ tạo thêm động lực, ước mơ cho những thế hệ học trò tiến xa hơn trên hành trình tri thức, trở thành những công dân có ích, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và đất nước sau này.