Trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng thuộc tiểu dự án 1, dự án 3

Ngày 20/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 86/2023/QĐ-UBND quy định trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng thuộc tiểu dự án 1, dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh).

Theo đó, đối với hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực có mức trợ cấp 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương).

Hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực: Mức trợ cấp gạo xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích trồng rừng thực tế tham gia, mỗi ha không quá 700 kg/năm và mỗi khẩu được trợ cấp bình quân 15 kg/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị số lượng gạo được trợ cấp tại thời điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương). Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu nhiều nhưng tham gia trồng rừng với diện tích ít, thì mức trợ cấp theo diện tích mỗi ha không quá 700 kg/năm. Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu ít nhưng tham gia trồng rừng với diện tích nhiều, thì mức trợ cấp gạo tính theo khẩu bình quân 15 kg/tháng. Số nhân khẩu được trợ cấp tính theo số khẩu thực tế có mặt của hộ gia đình tại thời điểm trợ cấp và được UBND xã xác nhận; số lần trợ cấp 4 lần/năm nhưng tối đa không quá 3 tháng một lần.

Loại gạo trợ cấp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gạo dự trữ quốc gia hiện hành. Ưu tiên giải quyết loại gạo phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc được sản xuất ở địa phương đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gạo dự trữ quốc gia hiện hành. Thời gian trợ cấp bắt đầu từ khi tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, nhưng tối đa không quá 7 năm...