Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư

Ngày 14/11/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Báo cáo số 387-BC/TU kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại văn bản số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

I-Tình hình khai thác thủy sản của địa phương

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, có đường bờ biển dài 120 km. Toàn tỉnh có 2.295 tàu cá có chiều dài từ 06 mét trở lên, trong đó: Có 849 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên; có 04 cảng cá (gồm 02 cảng loại II: Cà Ná, Ninh Chữ, 02 cảng loại III: Đông Hải, Mỹ Tân); có 03 khu neo đậu tránh trú bão (gồm 02 khu tránh trú bão cấp vùng: Cà Ná, Ninh Chữ, 01 khu tránh trú bão cấp tỉnh: cửa Sông Cái). Các tàu cá trên địa bàn tỉnh cơ bản luôn chấp hành tốt các chủ trương, pháp luật của Nhà nước trong khai thác đánh bắt hải sản và có ý thức cao trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tàu thuyền công suất lớn neo đậu tại Cảng cá Ninh Chữ (Ninh Hải).Ảnh: Văn Nỷ

Về hoạt động sản xuất trên biển, tỉnh hiện có 170 tổ đội khai thác trên biển với 85 tàu hậu cần phục vụ hoạt động khai thác, 02 nghiệp đoàn nghề cá đã được thành lập tại khu vực huyện Thuận Nam. Ngành nghề khai thác hải sản của tỉnh đã được phân bổ khá đều giữa nghề lưới vây có tính chọn lọc cao với nghề lưới rê. Ngoài ra hiện nay hoạt động khai thác đã có thêm một số nghề mới như: Nghề câu khơi, Nghề bẫy ghẹ, nghề lưới rê hỗn hợp, các nghề khai thác mang tính truyền thống có tính hủy diệt dần được thay thế và có những chính sách hạn chế quyết liệt như: Lưới vây rút mùng; Bẫy ven bờ, Lưới mành, ...

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 18.000 lao động tham gia làm việc trên tàu cá (lao động làm việc theo vụ mùa chiếm 25%) với khoảng hơn 6.364 thuyền viên được đào tạo cấp chứng chỉ giai đoạn 2013-2021 và có 4.868 thuyền viên đã qua các lớp đào tạo nghiệp vụ được cấp chứng chỉ nghề giai đoạn trước 2013.

II- Kết quả thực hiện

1. Công tác chỉ đạo điều hành

1.1. Chỉ đạo của Tỉnh ủy: Ban hành các văn bản chỉ đạo số 5053-CV/TU ngày 24/4/2020 triển khai thực hiện Công văn số 81-CV/TW của Thường trực Ban Bí thư về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1531-CV/TU ngày 05/10/2021 chỉ đạo triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai bảo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh; Công văn số 3888-CV/TU ngày 24/4/2023 về triển khai thực hiện Công điện 265/CĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 4201-CV/TU ngày 11/7/2023 về tham mưu chỉ đạo liên quan đến hoạt động đưa ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép; Công văn số 4321-CV/TU ngày 07/8/2023 về chỉ đạo đấu tranh với một số phương thức, thủ đoạn môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định '. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động làm việc với các địa phương có vùng biển giáp ranh với nước ngoài (các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) hỗ trợ ngăn chặn tàu cá của tỉnh Ninh Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chống khai thác IUU.

- Đối với cấp chính quyền các huyện, thành phố ven biển thuộc tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt các

quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về chống khai thác IUU; triển khai đồng bộ các giải pháp về dân vận cơ sở để vận động cộng đồng ngư dân và các thành phần có liên quan không thực hiện hành vi vi phạm khai thác IUU; yêu cầu chính quyền xã/phường phải: (i) Chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật; (ii) Có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

2. Kết quả triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy định quản lý liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

2.1. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác IUU và Luật Thủy sản.

- Các cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản trên biển đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Phổ biến kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách của cấp uỷ, chính quyền, địa phương, ngành chức năng của tỉnh về chống khai thác IUU. (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành văn bản số 2284-CV/BTGTU ngày 25/10/2023 tăng cường tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU).

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức thích hợp trên báo chí, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, bản tin của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị (tổ chức tuyên truyền được 10 lớp/600 lượt người tham dự); phát hành sổ tay, tờ rơi, tờ gấp (hơn 5000 tờ rơi) tuyên truyền đến các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh tuân thủ pháp luật, khai thác hải sản bền vững, bảo vệ môi trường với quan điêm chống khai thác IUU vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân. Vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân tăng cường tuyên truyền, chia sẻ những thông tin tích cực, chính thống trên Internet, mạng xã hội (fanpage, group, facebook, zalo, youtube, Mocha, App...); đồng thời phản bác với các thông tin sai trái, xuyên tạc về quá trình, nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

2.2. Về công tác đánh dấu; lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

- Về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: Tỉnh Ninh Thuận có 843/849 tàu cá đang hoạt động (06 tàu nằm bờ không hoạt động khai thác hải sản), đã có 842/843 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt VMS, đạt tỷ lệ 99,9% (trong đó 100% tàu cả từ 24 mét trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình). (Đính kèm phụ lục 1)

Về công tác đánh dấu tàu cá: Tổng số tàu cá của tỉnh được đánh dấu là 2.218/2.295 chiếc, trong đó: 849/849 tàu từ 15 mét trở lên (đạt 100%), 460/537 tàu từ 12 đến dưới 15 mét (đạt 86%), tàu cá dưới 12 mét là 909/909 tàu (đạt 100%). (Đính kèm phụ lục 2)

2.3. Về công tác quản lý tàu cá.

Về số lượng tàu cá đăng ký của tỉnh: Toàn tỉnh hiện có 2.295 chiếc tàu cá (trong đó, tàu từ 06-< 12 mét: 909 chiếc; tàu từ 12:< 15 mét: 537 chiếc; tàu từ 15 mét trở lên: 849 chiếc). Kết quả đăng ký tàu cá được cập nhật đầy đủ lên phần mềm VNFishbase của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về cấp giấy phép khai thác thủy sản: Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi đã cấp là 847/849 tàu đạt 99,76%, còn hạn 99% (còn 02 tàu chuyển hạn ngạch từ Bình Thuận và Vũng Tàu về đang làm hồ sơ cấp phép); Giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng 522/537 tàu, đạt 97,2%, còn hạn 22%; Giấy phép khai thác vùng ven bờ 909/909 tàu, còn hạn 12,76%.

- Về cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm: Đã cấp cho 842/849 tàu (đạt 99,2%) thuộc diện phải được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, 07 tàu chưa cấp, trong đó có 01 tàu chuyển hạn ngạch từ tỉnh ngoài về, chủ tàu đang thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và 06 tàu nằm bờ. Trong 842 tàu đã cấp Giấy chứng nhận, có 800 tàu còn hạn Giấy chứng nhận, 42 tàu hết hạn Giấy chứng nhận.

2.4. Nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU.

a. Nâng cao năng lực tại các cảng cá.

Quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ quản lý của Cảng cá phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017, đặc biệt là gắn trách nhiệm quản lý trong việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản khi ra vào cảng.

- Nâng cấp hệ thống xử lý môi trường và cải tạo hạ tầng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản cho các tàu cá khai thác.

- Bố trí, quy định các khu vực cập bến, neo đậu tàu thuyền và thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát và hỗ trợ trong công tác chống khai thác IUU.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, loa phát thanh về chống khai thác IUU và Luật Thủy sản trực tiếp cho thuyền trưởng, thuyền viên và các đối tượng tham gia hoạt động thủy sản tại cảng cá.

- Công bố mở cảng cá theo quy định.

b. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời, cập cảng.

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 và Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; triển khai nghiêm túc quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thuỷ sản; công bố Cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thuỷ sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác.

Tỉnh Ninh Thuận có 02 cảng được chỉ định thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản, gồm: Cảng Cà Ná, Cảng Ninh Chữ. Tại các cảng này đều được bố trí công chức, viên chức có chuyên môn cùng phối hợp thành viên của các Cảng để kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng theo quy định đảm bảo không để tàu vi phạm khai thác hải sản IUU rời cảng, cập cảng.

Giám sát sản lượng thủy sản lên bến của các tàu cập cảng và thực hiện công tác xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác theo quy định. Cập nhật kết quả kiểm soát tàu cá; số liệu xác nhận nguyên liệu thủy sản, số liệu giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng vào dữ liệu quốc gia. Tổ chức ghi chép, lưu trữ hồ sơ tàu cá cập và rời cảng được kịp thời và đầy đủ, cụ thể: Về công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động IUU tại các cảng năm 2023, đã tổ chức kiểm tra 3.400 lượt tàu cá (trong đó: 1.849 lượt tàu cá xuất bến và 1.551 lượt tàu cá nhập bến); về công tác kiểm soát số lượng xuất nhập cảng năm 2023, tổng số lượt tàu cá cập cảng và rời cảng là 9.521 lượt; về công tác giám sát sản lượng tại cảng cá năm 2023, tổng sản lượng bốc dỡ sản phẩm qua các cảng là 7.062,7 tấn (5.055 tàu bốc dỡ sản phẩm qua cảng); về công tác xác nhận nguyên liệu năm 2023, đã xác nhận 293.996 kg thủy sản khai thác (13 giấy).

c. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát về chống khai thác IUU.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tuyên truyền vận động các chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài (đã có 833 phương tiện ký cam kết); đảm bảo 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật; kiểm tra, giám sát 100% tàu đánh bắt thủy sản, tàu hậu cần nghề cá; điều tra xác minh 100% chủ phương tiện, thuyền trưởng và 70% đến 80% thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, thả về; phân loại, lập hồ sơ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để theo dõi, trao đổi, thông báo với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan giám sát, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn...Tổ chức 03 đợt/09 lượt tàu/93 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tổng hợp hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và cập nhật dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản lên Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính. Trong quá trình kiểm tra kiểm soát đã xử lý hành vi vi phạm về khai thác bất hợp pháp, cụ thể: Trường hợp tàu cá NT-91335-TS vận chuyển thiết bị VMS đang hoạt động của các tàu cá khác và 02 tàu (NT-90796-TS và NT-90041-TS) đã được xử lý theo quy định, hồ sơ đã được lưu trữ cung cấp đầy đủ khi được yêu cầu; Tàu cá NT-90906-TS do ông Võ Xuân Lanh (địa chỉ thường trú: Thanh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) vi phạm quy định về giám sát hành trình tàu cá và các quy định khác của Luật Thủy sản, hồ sơ đã được lưu trữ cung cấp đầy đủ khi được yêu cầu.

- Lực lượng kiểm ngư: Thường xuyên tuần tra, kiểm soát các tàu cá hoạt động trên biển; ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng tàu cá tỉnh vi phạm về khai thác bất hợp pháp (IUU). Qua kiểm tra cơ bản các phương tiện chấp hành nghiêm túc các quy định khi hoạt động trên biển, đồng thời lực lượng kiểm ngư thường xuyên trực tiếp tuyên truyền cho chủ phương tiện, thuyền trưởng và lao động biển về các nội dung chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đã tổ chức kiểm tra 500 lượt tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, xử phạt vi phạm hành chính 59 trường hợp.

d. Cảnh báo tàu cá, tàu mất tín hiệu kết nối qua hệ thống giám sát tàu cá và lực lượng chấp pháp trên biển và công tác xử lý.

Các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng cùng phối hợp tổ chức trực 24/24 giờ. Chỉ đạo hai cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình hoạt động trên biển của tàu cá tỉnh, kịp thời thông báo đến chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền địa phương, cơ quan liên quan để kịp thời phối hợp xử lý thông tin tàu mất kết nối hoặc vượt ranh giới trên biển; Phối hợp với Trung tâm Thông tin thủy sản xử lý thông tin tàu cá của tỉnh có chiều dài từ 24 mét trở lên bị mất kết nối trên biển hoặc vượt ranh giới trên biển. Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, kiểm tra danh sách tàu cá của tỉnh có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. (Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định 677/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 về xử lý thông tin tàu cá mất kết nối và vượt ranh giới trên biển).

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), công tác trực, rà soát kết quả kiểm tra tại cảng cá và đối chiếu với số liệu từ Cục Thủy sản, đến nay không có tàu cá Ninh Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

III- Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn sau:

1. Tỉnh Ninh Thuận vẫn còn một số tàu cá nằm trong diện quy định (06 tàu) chưa thực hiện việc lắp đặt VMS vì một số lý do: Hiện tại chỉ có 1 tàu có khả năng hoạt động, số tàu cá còn lại đang gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, hư hỏng đang nằm bờ không hoạt động... trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục vận động và có những hỗ trợ, chế tài cụ thể để các trường hợp này thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá theo quy định.

2. Nhiều tàu cá kể cả chủ tàu mang số đăng ký Ninh Thuận nhưng đã di chuyển gia đình vào các tỉnh miền Nam (huyện Côn Đảo-Vũng Tàu và huyện Đảo Phú Quốc-Kiên Giang) sinh sống, tạm trú, hoạt động khai thác và thay đổi chỗ ở liên tục, rất ít khi về Ninh Thuận. Do đó công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết và xử lý tàu cá vi gặp nhiều khó khăn.

3. Mặc dù các cấp, các ngành đã phối hợp tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách sâu, rộng nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa thực hiện đăng ký tàu cá cập cảng, rời cảng và ghi nộp nhật ký, báo cáo khai thác theo quy định. Bên cạnh đó, số lượng chủ tàu cá thực hiện việc gia hạn đăng ký, đăng kiểm, cấp phép vẫn còn thấp, vì:

Về việc tàu cá chưa thực hiện đăng ký: Những tàu cá chưa đăng ký của tỉnh Ninh Thuận 100% đều là tàu cá dưới 15 mét, tập trung phần lớn ở nhóm tàu ven bờ (dưới 12 mét). Tàu cá chưa được đăng ký vì: Chủ tàu tự ý mua bán hoặc đóng mới (dưới 12 mét) từ tỉnh bạn nhưng chưa được chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền. Số lượng tàu này hoạt động vùng ven bờ, hoạt động khai thác tập trung vào các nghề lưới nhỏ và vận chuyển thức ăn cho các lồng bè nuôi biển, trong đó số lượng tàu ven bờ là thúng máy làm nghề câu mực, câu tay chiếm số lượng lớn.... Hiện nay, cấp chính quyền tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn và địa phương cùng phối hợp triển khai đánh giá nguồn lợi ven bờ để có cơ sở công bố hạn ngạch của tỉnh trong những năm tới, vì vậy số lượng tàu cá phát sinh này vẫn chưa được đăng ký.

- Về việc tàu cá chưa thực hiện đăng kiểm: Nhiều tàu cá của tỉnh Ninh Thuận được các cơ sở đăng kiểm không thuộc quản lý của tỉnh, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Kết quả kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật được các cơ sở đăng kiểm này cập nhật dữ liệu lên VNFishbase theo phân quyền. Tuy nhiên, số liệu cập nhật kết quả kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật vẫn còn thiếu, bên cạnh đó các trường thông tin nhập vào vẫn chưa đảm bảo đầy đủ để quản lý. Bên cạnh đó, hiện nay một số chủ tàu đang gặp khó khăn về kinh tế chưa thể tham gia khai thác thủy sản (tập trung nhóm tàu từ 12 đến dưới 15 mét), nhóm tàu này các chủ tàu vì không hoạt động khai thác nên chủ tàu cá không có nhu cầu đề nghị kiểm tra, gia hạn an toàn kỹ thuật cho tàu cá của mình.

- Về việc tàu cá chưa cấp phép, chưa thực hiện gia hạn giấy phép khai thác thủy sản: Đối với nhóm tàu cá từ 12 mét trở lên chưa gia hạn giấy phép, vì hiện nay các tàu cá này chưa được đăng kiểm, chủ tàu cũng không còn khả năng kinh tế, tàu neo đậu tại bờ. Đối với nhóm tàu cá từ 6 mét đến dưới 12 mét trong năm 2022 phần lớn đã được vận động tuyên truyền cấp giấy phép, nhưng vì lý do hạn ngạch của tỉnh cấp không quá 12 tháng, nên các tàu cá này đã hết hạn trở lại. Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền vận động các chủ tàu gia hạn giấy phép. Bên cạnh đó, nhóm tàu có chiều dài từ 6 mét đến dưới 12 mét (dưới 20 sức ngựa), tỉnh đã phân cấp quản lý cho các địa phương theo Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 24/4/2014. Theo Luật Thủy sản 2017, công tác bàn giao hồ sơ vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

4. Vùng nước trước cầu cảng mở rộng bị bồi lắng, chưa được nạo vét nên gây nhiều khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng mở rộng để tiếp nhận nhiên liệu, nước đá hoặc bốc dỡ sản phẩm khai thác. Hạ tầng cảng cá xuống cấp, không đảm bảo an toàn vệ sinh đã ảnh hưởng đến các hoạt động tháo gỡ “Thẻ vàng”.

IV- Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại văn bản số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải bất hợp pháp.

2. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” và Quyết định 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án”Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”.

3. Lập danh sách tàu cá chưa lắp đặt VMS (Họ tên, số đăng ký tàu, lý do chưa lắp đặt, nơi neo đậu). Tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển.

4. Tăng cường công tác quản lý tàu cá, thực hiện các giải pháp xử lý triệt để tàu 3 không trên địa bàn tỉnh. Cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase phục vụ công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh.

5. Tiếp tục tổ chức triển khai đúng quy định về công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đảm bảo theo chuỗi; thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định có sự kiểm tra đối chiếu dữ liệu từ nhật ký khai thác thủy sản, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase, hệ thống giám sát hành trình tàu cá...

6. Tiếp tục tăng cường kiểm soát tại các cửa biển, kiên quyết không cho tàu cá tham gia khai thác hải sản đối với nhóm tàu: Chưa lắp giám sát hành trình, chưa đánh dấu tàu cá, nhóm tàu 3 không, không thực hiện kiểm tra xuất nhập cảng, không nộp nhật ký và báo cáo nhật ký.

7. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU và thông tin, truyền thông trên báo đài, phương tiện thông tin đại chúng đến ngư dân. Đặc biệt là các trường hợp tàu cá hoạt động nhưng cố tình không lắp đặt hoặc lắp đặt nhưng không duy trì kết nối; vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý tàu cá; không để xảy ra tình trạng tàu cá 3 không tham gia khai thác hải sản; tiếp tục giám sát tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; cấp giấy phép khai thác thủy sản và đánh dấu tàu cá đối với tàu cá trên địa bàn quản lý. Xác định cấp xã/phường là lực lượng nòng cốt trong việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân đối với công tác chống khai thác IUU. Chỉ đạo, yêu cầu chính quyền xã/phường phải: (i) Chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật; (ii) Có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.