Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có trên 6.000 hội viên, đang sinh hoạt tại các chi hội cơ sở. Ngoài việc thường xuyên củng cố xây dựng hệ thống tổ chức Hội vững mạnh, Hội CCB tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào hội viên làm kinh tế giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo.

(NTO) Để tạo được sức thuyết phục, thu hút đông đảo hội viên tham gia nhiệt tình phong trào, Hội CCB tỉnh chỉ đạo các cấp hội rà soát, phân loại theo nhóm đối tượng khó khăn để có hình thức giúp đỡ phù hợp. Đối với gia đình hội viên gặp khó khăn về vốn sẽ được Hội giúp đỡ với nhiều hình thức như: đứng ra tín chấp với ngân hàng cho hội viên vay vốn; xem xét cho vay từ nguồn quỹ “Vốn nội bộ”, hoặc vận động các hội viên có kinh tế khá giả giúp đỡ, cho vay không lấy lãi… Những hộ hội viên cần giúp đỡ về kỹ thuật, kiến thức làm ăn, Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương như Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả… giúp các hội viên chọn lọc, áp dụng vào điều kiện thực tế của mình để đầu tư sản xuất phù hợp . Từ nguồn “Vốn nội bộ” do hội viên đóng góp, 5 năm qua, các cấp hội đã luân chuyển trên 12,6 tỷ đồng, giúp cho 13.645 lượt hội viên vay theo hình thức xoay vòng để mở rộng sản xuất; tạo điều kiện cho 5.824 lượt hộ gia đình CCB vay, tổng số tiền gần 76 tỷ đồng từ nguồn vốn 120 giải quyết việc làm và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nhờ có vốn, lại được hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả nên đã có 234 hộ CCB thoát được nghèo, cuộc sống dần được cải thiện.

Cựu chiến binh Lê Năm, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chuẩn bị ngư cụ
cho chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ. Ảnh: Văn Miên.

Ngoài sự hỗ trợ của các cấp hội, điều đáng quý hơn cả của hội viên CCB đó tình đồng đội, luôn quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhiều CCB đã phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ đã vươn lên làm giàu, sau đó giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu trong phong trào phải kể đến: CCB Nguyễn Đức Nhận, ở thôn Đạo Long 1, xã An Hải (Ninh Phước). Trở về từ chiến tranh với đôi bàn tay trắng, người lính Cụ Hồ ấy lại phát huy tinh thần lao động giỏi, lặn lội từ Hà Nội vào Ninh Thuận lập nghiệp. Trải qua biết bao gian khó, giờ đây ông đã thành lập được công ty sản xuất các mặt hàng trang trí nội thất. Để giúp đỡ bạn bè, đồng đội, ngoài việc tích cực tham gia đóng góp quỹ hội, trong việc tuyển dụng lao động vào làm việc tại công ty, ông đều ưu tiên nhận các con em của các CCB. Hay như CCB Nguyễn Thị Trung, ở phường Phước Mỹ, thời gian qua đã ủng hộ 200 triệu đồng xây dựng 2 nhà mẫu giáo cho xã Nhơn Hải và Vĩnh Hải của huyện Ninh Hải; tặng nhà tình nghĩa trị giá 30 triệu đồng cho một CCB nghèo. Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, bà đã cho 7 CCB có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với tổng số tiền 100 triệu đồng, không lấy lãi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình… Theo thống kê của Hội CCB tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có gần 350 hội viên có kinh tế khá giả, trong đó có trên 80 hội viên là chủ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản… Trong số lao động làm việc tại các doanh nghiệp do CCB làm chủ, có đến 1/3 lao động là CCB hoặc con em CCB.

Với tinh thần đoàn kết và nỗ lực vươn lên của các hội viên trong việc phát triển, giúp nhau làm kinh tế, đến nay, đa phần các hội viên và con em hội viên Hội CCB trong độ tuổi lao động đều có công ăn việc làm. Điều đáng mừng là tỷ lệ hộ gia đình CCB có kinh tế từ loại khá trở lên chiếm khá cao 38%; trên 90% gia đình có nhà ở khang trang. Trong thời gian tới, Hội CCB tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo trong hội viên. Mục tiêu đề ra của Hội trong 5 năm tới có 100% hộ gia đình CCB có nhà ở kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên giảm còn 1,5-2% (theo tiêu chí mới).