Hướng đến nâng tầm thương hiệu tỏi Phan Rang

Thực hiện đề tài nghiên cứu tuyển chọn, phục tráng giống tỏi Phan Rang trên cơ sở trồng so sánh 5 giống tỏi của địa phương, 1 giống tỏi Khánh Hòa và giống tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), kết quả cho thấy các mẫu giống tỏi Phan Rang và mẫu giống tỏi Lý Sơn có độ tương đồng 100%, các mẫu giống này có xuất phát từ một nguồn.

Du khách chọn mua tỏi Phan Rang
tại Trạm dừng chân Thiên Thảo (Ninh Phước). Ảnh: V.Nỷ

Từ tháng 11/2018, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan chủ quản) triển khai dự án nghiên cứu đề tài “Tuyển chọn và phục tráng giống tỏi Phan Rang” (tên gọi chung cho các giống tỏi trồng tại Ninh Thuận) nhằm sưu tập, đánh giá các giống tỏi tại địa phương, qua đó chọn giống có năng suất cao để chuyển giao cho người dân sản xuất. Qua nghiên cứu sưu tập, thu thập 7 mẫu giống tỏi có triển vọng tại các vùng trong và ngoài tỉnh, gồm: 3 mẫu giống tỏi tại xã Vĩnh Hải, 1 mẫu giống tỏi tại xã Nhơn Hải (Ninh Hải), 1 mẫu giống tỏi tại phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), 1 mẫu giống tỏi tại xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), 1 mẫu giống tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Kết quả, mẫu giống tỏi được trồng tại xã Vĩnh Hải có các đặc tính vượt trội so với các mẫu giống tỏi khác. Đặc biệt, có 2 mẫu giống tỏi lấy tại xã Vĩnh Hải có năng suất, chất lượng cao nhất. Đề tài đi đến kết luận, các mẫu giống tỏi có độ tương đồng 100%, các mẫu giống này có xuất phát từ một nguồn. Đề tài nghiên cứu đã phục tráng thành công được 7 dòng hỗn L1-L7 của giống tỏi Phan Rang đạt cấp siêu nguyên chủng với 167 kg giống tỏi. Năng suất của các dòng đơn trong dòng hỗn từ 10,6-10,9 tấn/ha, lớn hơn giống tỏi đối chứng chưa phục tráng từ 30,9-39,5%.

Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An cho biết: Đề tài nghiên cứu đã chuyển cho HTX 150 kg giống tỏi Phan Rang phục tráng để giữ và nhân giống. HTX đã lập dự toán và báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ và đang chờ các đơn vị liên quan phê duyệt, hỗ trợ nguồn kinh phí để tiếp tục xuống giống trong niên vụ 2023 sắp tới. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trong việc mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian tới các cấp, các ngành hỗ trợ đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tỏi theo liên kết “bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nông dân) để xây dựng thương hiệu tỏi Phan Rang; thiết lập mã vạch cho vùng trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng đến xuất khẩu sản phẩm tỏi Phan Rang.

Tỏi Phan Rang được phục tráng thành công đang lưu giữ tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải).

Xác định tỏi là một trong những cây trồng đặc thù của địa phương, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây tỏi. Toàn tỉnh hiện có trên 210 ha tỏi, sản phẩm tỏi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tỏi Phan Rang”. Sản phẩm tỏi Phan Rang có nhiều ưu điểm vượt trội về hàm lượng dưỡng chất, độ ngon, dòn, vị cay tê đầu lưỡi, mùi thơm cay nồng nhưng không sốc, ít để lại mùi sau khi ăn. Chính vì vậy sản phẩm tỏi Phan Rang được thị trường cả nước đặc biệt ưa chuộng. Tuy chỉ sản suất một vụ trong năm, nhưng hiệu quả kinh tế từ cây tỏi mang lại khá cao. Trong điều kiện thời tiết ổn định, chăm sóc tốt, năng suất tỏi đạt từ 800 kg đến 1 tấn tỏi khô/sào; người trồng tỏi có thể lãi khoảng 70 triệu đồng/sào/vụ. Hiện nay, tỏi Phan Rang đang được nhân rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.