Mô hình trồng bắp sinh khối, hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Để mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp cho nông dân địa phương, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ sở trong và ngoài tỉnh ký kết bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân; đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết với bà con sản xuất, hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn về quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Vụ hè - thu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu Ngô triển khai mô hình trồng bắp sinh khối (BSK) tại xã Phước Vinh (Ninh Phước), với 120 hộ dân tham gia, với diện tích 10 ha. Tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ 50% giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn, hướng dẫn quy trình về trồng BSK. Đến nay, mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp cho nông dân địa phương.

Sau hơn 15 năm trồng bắp lấy hạt, vụ hè - thu năm nay gia đình ông Nguyễn Đức Dũng, thôn Bảo Vinh, mạnh dạnh đầu tư 1,5 sào đất trồng BSK giống NCH9 do Viện Nghiên cứu Ngô cung cấp. Sau gần 3 tháng chăm sóc, gia đình thu hoạch được hơn 8 tấn, với giá bao tiêu 1.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình có lãi gần 5 triệu đồng. Ông Dũng cho biết: So với trồng bắp lấy hạt, trồng BSK cho hiệu quả kinh tế cao hơn, vì thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, tiết kiệm được công chăm sóc, năng suất lại vượt trội và quan trọng nhất là được bao tiêu sản phẩm.

Nông dân thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh (Ninh Phước) trồng bắp sinh khối liên kết
với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hồ Thanh Long, thôn Bảo Vinh có ruộng bắp đang đến ngày thu hoạch, phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có 3 sào đất trồng bắp lấy hạt. Đây là vụ đầu tiên tôi trồng BSK theo hướng liên kết có nhiều cái lợi như thời gian trồng chỉ mất từ 80-85 ngày là thu hoạch, nên tiết kiệm được chi phí đầu tư chăm sóc, nhân công trong thu hoạch, nhất là không mất chi phí tách hạt, phơi khô và bảo quản như trồng bắp lấy hạt. Đặc biệt, BSK được doanh nghiệp thu mua cả cây, đỡ tốn công dọn ruộng. Vì vậy, các vụ tiếp theo tôi tiếp tục trồng BSK.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc TTKN tỉnh cho biết: Đây là vụ đầu tiên TTKN tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu Ngô triển khai mô hình trồng BSK ở xã Phước Vinh, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, năng suất đạt từ 45-50 tấn/ha, với giá thị trường hiện nay trừ chi phí, nông dân có thu nhập từ BSK từ 25-30 triệu đồng/ha, cao hơn bắp lấy hạt từ 1,5-2 lần. Hơn nữa, tất cả diện tích trồng BSK đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đã tạo động lực và niềm tin cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích. Đến thời điểm này, mô hình trồng BSK đã được TTKN tỉnh triển khai nhân rộng hơn 200 ha tại các địa phương của 3 huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái.

Trong thời gian tới, TTKN tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ sở trong và ngoài tỉnh ký kết bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân; đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết với bà con sản xuất, hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn về quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, TTKN tỉnh đang xúc tiến chương trình ký kết hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt và giữa các hợp tác xã và hộ nông dân để hướng đến mục tiêu phát triển từ 700-1.000 ha trồng BSK trên địa bàn tỉnh... Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.