Cảnh báo hiện tượng nắng nóng gay gắt

Nắng nóng là hiện tượng thời tiết khi nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày vượt quá 35°C. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Thống kê của Đài khí tượng thuỷ văn tình, kể từ đầu năm đến hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 55 ngày xuất hiện nắng nóng; riêng từ ngày 01/8 đến hôm nay, gần một tháng nắng nóng liên tiếp xảy ra, trong đó nhiều ngày nắng nóng gay gắt. Theo dự báo, Do ảnh hưởng của trường gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh, trong 72 giờ tiếp theo, nắng nóng tiếp tục xuất hiện trên khu vực tỉnh Ninh Thuận. Chúng ta cần lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 đến 4 °C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Thiên tai nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Người dân Tp.Phan Rang-Tháp Chàm lưu thông trên đường đều mặt áo dài tay, đeo khẩu trang để phòng tránh nắng nóng. Ảnh : Văn Nỷ

Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng xảy ra, thường làm cho mây dông phát triển mạnh vào buổi chiều đặc biệt tại huyện Thuận Nam, Ninh Sơn, Bác Ái. Do đó, chúng ta cần chú ý đề phòng tổ hợp thiên tai: nắng nóng, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động phòng chống thiên tai.