Những “người mẹ đặc biệt" của trẻ khuyết tật

Không may mắn như những đứa trẻ khác, trẻ em khuyết tật khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi cả về thể chất lẫn trí tuệ. Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, những cô giáo, nhân viên của các trung tâm trên địa bàn tỉnh luôn kiên trì, nhẫn nại chăm lo, nuôi dạy những trẻ khuyết tật (TKT), giúp các em tiến bộ mỗi ngày vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, chị Lê Thị Bình Minh không nhớ hết những đứa con mình từng nhận chăm sóc. Dẫu chẳng phải do chính mình rứt ruột sinh ra, nhưng chị chăm sóc chúng bằng tình yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con thơ. Trong số hàng chục đứa trẻ, có không ít bé không may bị khuyết tật bẩm sinh như: Hở hàm ếch, liệt não, liệt hai chân, có dị tật ở tay... Mới đây nhất chị nhận nhiệm vụ chăm sóc bé Nguyễn Thanh Toàn vừa tròn 3 tháng, hai chân bị teo co quắp; cháu bị mẹ đẻ ruồng bỏ ngay từ trong bụng mẹ nhưng không thành công... Nhìn gương mặt đỏ hỏn của Toàn trên tay, nghe hoàn cảnh éo le của con, chị thấy nghẹn lòng, tự nhủ với lòng mình cố gắng làm tất cả những gì có thể để bù đắp một phần thiệt thòi cho con. Bởi vậy, chị em ở Trung tâm đều bảo ban nhau cố gắng bù đắp tình thương cho Toàn. Trong sự yêu thương, đùm bọc của các mẹ ở Trung tâm, Toàn khôn lớn mỗi ngày. Dù bị liệt hai chân nhưng Toàn rất thông minh, miệng luôn cười tươi mỗi lần được ai thăm hỏi. Có lẽ chính sự thông minh, hóm hỉnh của Toàn mà trong số những người đến thăm Trung tâm đã có không ít cặp vợ chồng ngỏ lời muốn nhận em làm con nuôi. May mắn thay, em được gia đình khá giả nhận nuôi và chữa trị hai chân. Ngày chia tay con về gia đình mới, chị Minh vừa mừng vừa thương nhớ con. Chị Bình Minh chia sẻ: Từ chỗ chăm bẵm vì thương cảm đến khi Toàn lớn lên từng ngày, bập bẹ gọi tiếng “mẹ”, là một lần cảm xúc dâng trào. Đến nay, dù không còn chăm sóc, nuôi dạy Toàn nhưng tôi vẫn ấn tượng, rất nhớ con. Tuy vậy nghĩ đến con có tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn tôi rất vui mừng, hạnh phúc. Đối với những đứa trẻ ở đây, sự an ủi duy nhất của các em chính là tình yêu thương của nhân viên bù đắp mà thôi. Việc chăm sóc một đứa trẻ không đơn giản, đối với TKT thì công việc càng khó khăn gấp bội. Để các em có thể hòa nhập cộng đồng, đòi hỏi ở những người mẹ như chị Minh sự kiên trì, nhẫn nại giáo dục, chăm sóc và cả tình yêu thương chân thành.

Cô giáo Nguyễn Thị Năng cùng các cháu lớp Khiếm thính tại một buổi học. Ảnh: Mỹ Dung

Từng là giáo viên (GV) Trường Tiểu học Phước Thành A (Bác Ái), với nhiều cơ hội phát triển công việc tốt hơn nhưng suốt 6 năm qua, cô Nguyễn Thị Năng đã đồng hành với các em học sinh (HS) khuyết tật ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Ninh Thuận. Những ngày đầu đến lớp, cô Năng khá bỡ ngỡ vì kiến thức sư phạm của mình hình như “không có đất diễn” với những đứa trẻ đặc biệt này. Đa số HS ở đây bị ảnh hưởng trí não nên có trẻ dù lớn tuổi nhưng mức độ nhận thức chỉ như em bé 1, 2 tuổi. Với mỗi trẻ, cô đều phải dành khoảng thời gian đầu theo dõi để xây dựng giáo án riêng sát với mức độ bệnh. Ở đây, các em được dạy từ những kỹ năng cơ bản như: Đi, đứng, vệ sinh cá nhân... điều tưởng đơn giản nhưng là cả kỳ tích với TKT. Vất vả là vậy nhưng càng tiếp xúc với các em, cô Năng càng cảm thấy sự đồng cảm, sẻ chia và gắn bó. Tình thương dành cho các em không may bị khiếm khuyết đã dần bồi đắp tình yêu nghề trong cô. Chăm sóc, phục hồi chức năng cho TKT chưa bao giờ là việc dễ. Để gắn bó với công việc này, ngoài kiến thức chuyên môn cần có tình thương với trẻ. Mỗi GV là người bạn, người chị luôn kiên trì, nhẫn nại đồng hành để giúp trẻ tự tin, cởi mở hơn. Ở Trung tâm mỗi em có một khiếm khuyết riêng, trình độ nhận thức cũng khác nhau nên tùy theo HS, GV xây dựng giáo án riêng. Được phân công chủ nhiệm lớp khiếm thính, việc giao tiếp với HS khá khó khăn. Không nản lòng, cô Năng tìm hiểu, áp dụng các phương pháp dạy trẻ khiếm thính bằng ký hiệu ngôn ngữ. Nhờ vậy, từ những đứa trẻ nhút nhát, tự ti các em dần cởi mở, mạnh dạn giao tiếp, thể hiện cảm xúc với mọi người. Đơn cử như em Trượng Nữ Lệ Quyên sau nhiều năm học tập nay đã thực hiện thành thạo các phép toán; viết chính tả; tự tin đăng ký show diễn thời trang... Để nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng cho trẻ, cô Năng còn phối hợp với phụ huynh HS, cùng nhau trao đổi phương pháp để giúp trẻ tự chủ trong việc vệ sinh, ăn uống, biểu lộ cảm xúc khi ở nhà. Cô Năng chia sẻ: Tuy các em không nói được những lời yêu thương, nhưng nhìn ánh mắt của trẻ dành cho mình, cô càng vững tin vào con đường mình đã chọn. Chính sự tiến bộ của các em đã tiếp thêm động lực giúp mỗi GV gắn bó hơn với nghề.

Mỗi TKT vượt lên số phận, tái hòa nhập cộng đồng là kết quả nỗ lực phi thường, là niềm vui, hạnh phúc của những “người mẹ đặc biệt" tại các trung tâm. Những việc làm của cô Năng, chị Minh tuy bình dị mà rất đỗi cao quý, góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp những “bông hoa khuyết cánh” vẫn “tỏa hương” hòa nhập cùng cộng đồng.