Thuận Bắc:

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân

(NTO) Huyện Thuận Bắc có gần 24 ngàn dân, sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 2/3 dân số. Từ thực tế trên huyện luôn xác định công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

Phụ nữ xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc tham gia lớp học nghề may công nghiệp tại địa phương.

Từ năm 2006 đến nay, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân được vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư vào phát triển sản xuất, chăn nuôi; huyện Thuận Bắc còn chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với một số trung tâm dạy nghề trong tỉnh mở gần 120 lớp đào tạo nghề về may, thêu ren, đan lát, sửa chữa xe máy và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi v.v... cho hơn 2.300 lao động, nhằm giúp họ biết cách làm ăn phát triển kinh tế và tìm kiếm việc làm dễ hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Phó trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Chúng tôi còn rất quan tâm đến việc phối hợp các đơn vị trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo. Trong 5 năm (2006 – 2010), toàn huyện có trên 6.000 lao động được giải quyết việc làm, 18 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, ngoài việc phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức 19 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho 556 người, huyện Thuận Bắc còn giới thiệu cho 117 lao động làm việc tại các đơn vị trong tỉnh, như: Xi-măng Luks, Nhà máy Sản xuất đá Granite, Công ty TNHH TMDV&SX Nam Thành... đồng thời tổ chức 2 đợt đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh với số lượng 34 người, nâng tổng số lao động của địa phương hiện đang làm việc ngoài tỉnh đến nay lên 273 người.

Những nỗ lực của huyện Thuận Bắc trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, song tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết còn rất nhiều lao động ở nông thôn sau khi được đào tạo nghề, nhất là các nghề thủ công như thêu ren, đan lát... không phát huy được tay nghề đã học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do công tác phối hợp mở lớp dạy nghề cho lao động địa phương còn chưa đồng bộ. Do đó, hầu hết người lao động sau khi được học nghề đều phải tự tìm việc làm chứ chưa có đơn vị nào đứng ra ký kết hợp đồng cung cấp mặt hàng và bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, số công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn quá ít, nên chỉ giải quyết được một phần khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của người lao động.

Chị Pi-năng Thị Hốn, Chủ tịch Hội LHPN huyện bộc bạch: “Toàn Hội chúng tôi hiện có trên 6.500 hội viên, đa số chị em đều trong độ tuổi lao động. Để giúp chị em nâng cao tay nghề, tìm kiếm việc làm; năm 2010, ngoài việc phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho chị em, Hội còn phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện và các trung tâm dạy nghề mở được gần 6 lớp về may công nghiệp, nấu ăn, đan lát v.v... cho gần 200 chị. Thế nhưng, sau khi đã được đào tạo nghề, số chị em phát huy được nghề chưa đến 1/3, số còn lại đang gặp khó khăn về tìm việc làm.

Để công tác lao động-việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Thuận Bắc những năm tới đạt kết quả cao hơn, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương; trước hết, khi tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, các đơn vị chức năng cần chọn những nghề đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và sản phẩm khi người lao động làm ra phải mang tính phổ biến, dễ tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện cần xây dựng kế hoạch cụ thể, làm sao gắn việc đào tạo nghề với việc giải quyết việc làm để người lao động có thu nhập, nâng cao đời sống.