Thuận Nam phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thuận Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện đạt chuẩn NTM. Cụ thể, 8/8 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có từ 1-3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 17 thôn đạt thôn NTM.

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, nhân dân xã Nhị Hà vui mừng đón nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2022 trong niềm tự hào, hạnh phúc. Đây là địa phương thứ 6 của huyện Thuận Nam (sau Phước Nam, Cà Ná, Phước Diêm, Phước Ninh và Phước Minh) về đích NTM. Đồng chí Nguyễn Thiên Quang, Bí thư Đảng ủy xã Nhị Hà phấn khởi chia sẻ: Khởi động với xuất phát điểm thấp nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, đồng hành của huyện và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, Nhị Hà đã từng bước khắc phục khó khăn, hiện thực hóa khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, giàu mạnh cho nhân dân.

Nông dân huyện Thuận Nam phát triển mô hình trồng xoài mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện xây dựng NTM, 12 năm qua, huyện Thuận Nam đã huy động hơn 790 tỷ đồng để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đến nay, kết quả đạt được là hơn 130 km đường giao thông nông thôn đã được bê tông, cứng hóa; gần 180 km kênh mương nội đồng cấp 3 đã được kiên cố hóa, đạt 100%. 8/8 xã trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia kéo đến tận từng thôn, có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống trường học tiếp tục được mở rộng. Tất cả các địa phương có đủ các cấp học từ mầm non đến THCS. Toàn huyện có 2 trường THPT. 100% số xã đạt phổ cấp giáo dục THCS. Các vấn đề về y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cấp về chất lượng...

Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, huyện triển khai nhiều mô hình như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Tưới nước tiết kiệm” “Sản xuất lúa nguyên chủng” trên cây trồng. Đồng thời, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững về chăn nuôi bò thịt. Nhờ tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, tư duy phát triển kinh tế nên sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển ổn định. Các địa phương đã phát huy được lợi thế của mình để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Điển hình như: Xã Phước Minh phát huy thế mạnh vùng trồng cây mãng cầu, Nhị Hà đa dạng hóa các loại cây ăn trái lâu năm trên những vùng đất màu mỡ, Phước Hà bước đầu có chuyển biến trong việc đưa cây bưởi, cây mít về thử nghiệm và nhân rộng diện tích trên địa bàn...

Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong 3 năm qua, huyện Thuận Nam đã có thêm những điểm sáng trong bức tranh kinh tế nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn có 2 mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao là Công ty TNHH Fara Farm, tại thôn 3 xã Nhị Hà, quy mô 1.500 m2 và Công ty Seagul ADC Ninh Thuận tại thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, quy mô 70.000 m2; 1 mô hình trồng bưởi hơn 20 ha và 1 mô hình chăn nuôi tập trung tại xã Phước Ninh. Triển khai thực hiện cánh đồng lúa lớn, chỉ sau 2 năm, huyện đã hình thành được 4 cánh đồng tại các xã Nhị Hà, Phước Ninh và Phước Nam với quy mô 623,5 ha/1.121 hộ dân. Đây được xem là mô hình liên kết có hiệu quả cao, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, là hạt nhân để nhân rộng vùng lúa chất lượng cao của huyện. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện tập trung hỗ trợ những sản phẩm mới, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Qua 3 năm triển khai huyện đã có 18 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 16 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai việc thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án giúp gia tăng giá trị sản xuất các ngành, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động, hỗ trợ đời sống an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, đến cuối năm 2022, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Thuận Nam giảm xuống còn 1.424 hộ, chiếm 8,13%.

Theo đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Thuận Nam: Để hoàn thành mục tiêu đưa Thuận Nam trở thành huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025, thời gian tới, huyện cần dồn lực hỗ trợ 2 xã là Phước Hà và Phước Dinh về đích NTM; tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí để xây dựng thêm 3 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu; 15 thôn NTM và 3 thôn NTM kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã tổ chức cuộc họp rà soát, đánh giá hiện trạng thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Qua rà soát, đánh giá, so sánh với Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm này, huyện Thuận Nam đạt 3/9 tiêu chí gồm: Thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện và chất lượng môi trường sống. Điều đáng mừng là trong số 36 chỉ tiêu theo yêu cầu, huyện đã đạt 26 chỉ tiêu, tương đương 72%. Một số tiêu chí, chỉ tiêu như: Quy hoạch, trung tâm văn hóa thể thao, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, chợ trung tâm huyện, mô hình tái chế hữu cơ và mô hình xử lý nước thải sinh hoạt với nhu cầu vốn lớn với khoảng hơn 151 tỷ đồng được xem là những chỉ tiêu khó cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành. Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Thuận Nam cần hơn 560 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Quyết tâm đạt mục tiêu đề ra, huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết lãnh đạo phấn đấu xây dựng huyện Thuận Nam đạt chuẩn NTM đến năm 2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, phòng, ban và địa phương.