Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách trong giảm nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho các địa phương còn nhiều khó khăn; trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) ưu đãi của Chính phủ cũng là một trong những công cụ góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.

Bác Ái là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84,48% dân số toàn huyện. Xác định rõ vai trò, vị trí của TDCS xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn, các cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch xã để chuyển tải kịp thời vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Gia đình chị Chamaléa Thị Dem, ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa thuộc diện hộ nghèo, nhờ vốn vay Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH), giúp chị có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Chị Dem, phấn khởi: Vốn tín dụng ưu đãi đồng hành cùng gia đình hơn 6 năm nay, với 80 triệu đồng vay từ chương trình hộ nghèo và hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, tôi nuôi 5 con bò, nhờ trực tiếp tham gia các lớp tập huấn khuyến nông nên nắm bắt được cách chăm sóc, đàn bò tăng lên hơn 20 con. Chăn nuôi hiệu quả, giúp gia đình xây được nhà cửa khang trang và tích lũy được số vốn làm ăn.

Khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái, nhìn nhận: Nguồn vốn cho vay của NHCSXH góp phần giúp cho hơn 7.200 hộ tại địa phương vượt qua ngưỡng nghèo, dư nợ bình quân trên 41 triệu đồng/khách hàng. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, TDCS đã làm thay đổi căn bản nhận thức của hộ vay, bà con có sự thay đổi trong cách thức làm ăn phát triển kinh tế gia đình, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với mục tiêu phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện tốt vai trò TDCS xã hội, gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tỉnh tập trung huy động nguồn lực từ trung ương và địa phương để triển khai đảm bảo ổn định các chương trình cho vay. Đặc biệt, qua thời gian triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động TDCS xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy, nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đưa hoạt động TDCS xã hội ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cơ cấu kinh tế, giải quyết căn bản tình trạng khó khăn ở các địa phương. Đến nay, dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 3.140 tỷ đồng, với hơn 78.400 hộ vay vốn, trong đó cho vay đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm trên 60% tổng dư nợ. Vốn tín dụng ưu đãi cùng với các nguồn lực khác góp phần thúc đẩy giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5-2%/năm; riêng trong năm 2022, hộ nghèo của tỉnh giảm 1,86% và giúp cho 31 xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn. Nhằm đảm bảo mục tiêu 100% đối tượng thụ hưởng có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận vốn vay, trong thời gian tới, ngoài đẩy mạnh huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để tạo lập vốn bổ sung, đơn vị tiếp tục bám sát chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các địa phương để làm cơ sở xây dựng kế hoạch giải ngân vốn cho vay. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, sở, ngành liên quan lồng ghép mô hình, dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, giúp hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, cải thiện đời sống gia đình.