Khuyến khích hộ kinh doanh tham gia OCOP

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đang thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh. Để khuyến khích chủ thể nhất là hộ kinh doanh (HKD) tham gia, phát triển sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực hỗ trợ các hộ hoàn thiện những thủ tục cần thiết, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Gia tăng về chất và lượng

Thời gian qua, việc thực hiện chương trình OCOP đã mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở tỉnh. Đến nay sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ,… nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng.

Nước mắm Thương Thảo là cái tên đã có tuổi đời trên 60 năm, nhưng do trước nay chủ yếu sản xuất và buôn bán tự do, nên rất khó để chứng nhận chất lượng cũng như khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại. để sản phẩm nước mắm của gia đình vào được siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh, chị La Thị Lệ Phương, chủ Cơ sở nước mắm Thương Thảo, xã Cá Ná (Thuận Nam) tìm đến OCOP như là giải pháp hữu hiệu. Chị Phương chia sẻ: Khi bắt tay vào làm hồ sơ để tham gia OCOP khá gian nan bởi chị còn thiếu nhiều kiến thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ, những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, tác động tới môi trường, hồ sơ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, logo sản phẩm, câu chuyện sản phẩm... Sau 2 năm cố gắng và được sự hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT), chị Phương đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tham gia chương trình. Thành quả là hộ kinh doanh La Thị Lệ Phương có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh chất lượng 3 sao.

Sản phẩm OCOP của cơ sở Xứ Phan tại Festival lướt ván diều Quốc tế năm 2022.

Bà Minh Châu, chủ hộ kinh doanh Xứ Phan phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), phấn khởi cho biết: Sản phẩm rượu nho Xứ Phan được Hội đồng đánh giá cao và đạt hạng 3 sao ngay lần đầu tham gia. Theo bà Châu, trước đây, chủ yếu kinh doanh qua mạng và chỉ đăng ký tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sau khi được cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng thành phố tuyên truyền vận động, mới quyết định tham gia OCOP, hiện đang lên kế hoạch mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc trang thiết bị hiện đại, in ấn mới bao bì… nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm.

Qua các năm triển khai, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, đến nay, các HKD trên địa bàn tỉnh từng bước hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng và phát triển OCOP. Chương trình có sức lan tỏa, cùng với chất lượng thì số lượng HKD cũng tăng lên rõ rệt. Nếu như kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020, trong 19 chủ thể chỉ có 5 chủ thể là cơ sở, HKD (chiếm 26%), tập trung chủ yếu ở địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, thì đến lần phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022, số lượng các cơ sở, HKD đã tăng lên 14 trong tổng số 37 chủ thể tham gia OCOP (chiếm 38%). Đặc biệt, trong đó xuất hiện nhiều sản phẩm mới, nổi trội như: Dưa lưới, nho tươi, rượu nho, vang nho, rượu chuối mồ côi, chanh không hạt, muối,… thuộc các địa phương như: Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam, Ninh Hải, Bác Ái.

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ thiết thực

Việc tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HKD khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, số lượng cơ sở ngành, nghề nông thôn, số lượng hộ sản xuất nhỏ lẻ tham gia dự thi còn ít so với tiềm năng thực tế của tỉnh. Để khuyến khích HKD tham gia, phát triển sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực hỗ trợ các hộ hoàn thiện những thủ tục cần thiết, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày tại một hội nghị xúc tiến cung - cầu. Ảnh: V.N

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, trong quá trình thực hiện, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh có nhiều hình thức hỗ trợ các chủ thể nâng cao năng lực sản xuất. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các phòng NN&PTNT, phòng kinh tế các huyện, thành phố hướng dẫn các chủ thể lập hồ sơ thủ tục tham gia chương trình OCOP. Hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận từ 3 sao trở lên thiết kế lại nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP, đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm…

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để phát triển được sản phẩm OCOP, ngoài việc tập trung tổ chức sản xuất nhăm 2 phát huy những thế mạnh, tiềm năng, chất lượng sản phẩm đặc thù của địa phương, tỉnh còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ cơ sở ứng dụng, đổi mới, cải tiến công nghệ máy móc thiết bị theo hướng tiên tiến và hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động quảng bá để tiêu thụ sản phẩm, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, kết nối các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh với các tỉnh thành khác trên cả nước; Tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện tại tỉnh; hỗ trợ tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt với các tỉnh, thành phố lớn, thị trường tiềm năng (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên...); kết hợp hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của tỉnh với các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch; tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp của tỉnh Ninh Thuận với hệ thống phân phối lớn, hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ (Co.opMart, Winmart, Big C Go, Bách hóa xanh...);…

Ngoài ra, Sở Công Thương đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 74 sản phẩm của 22 đơn vị cập nhật, đưa sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh (sanphamninhthuan.com) và dự kiến tiếp tục đưa thêm 150 sản phẩm tham gia sàn thương mại của tỉnh trong quý II/2023.

Anh Thi