Hơn 74 tỷ đồng triển khai thực hiện Đề án một số cơ chế chính sách đặc thù trên địa bàn huyện Bác Ái giai đoạn 2022-2026

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1294/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn huyện Bác Ái giai đoạn 2022-2026.

Kế hoạch nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, cán bộ người dân tộc thiểu số có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có cơ cấu, chất lượng phù hợp; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số nhu cầu của người dân sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bác Ái phát triển nhanh và bền vững, rút nhanh khoảng cách chênh lệch so với các địa phương trong tỉnh; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh...

Một góc cơ sở hạ tầng đường Trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Nỷ

Kế hoạch thực hiện có 3 nhóm chính sách, gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách phát triển văn hóa - giáo dục - y yế. Mục tiêu đến năm 2026, huyện Bác Ái phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới hằng năm giảm 4%; có 100% CBCCVC cấp huyện đạt chuẩn về chuyên môn theo khung năng lực vị trí việc làm và 10% CBCCVC có trình độ sau đại học; 65% người hoạt động không chuyên trách cấp xã có trình độ đại học trở lên; có từ 80% trở lên người dân và đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật; có từ 95% trở lên CBCCVC được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ; giảm 70-80% số vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Về tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi: Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 16%; tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 22%. Trên 90% bà mẹ có con dưới 5 tuổi SDD được tư vấn kiến thức về dinh dưỡng và tham dự thực hành dinh dưỡng ít nhất 2 lần/năm; trên 95% phụ nữ mang thai uống viên sắt/viên đa vi chất đều đặn; 95% trẻ em dưới 5 tuổi được theo dõi tình trạng dinh dưỡng định kỳ hằng quý; trên 95% trẻ em dưới 2 tuổi SDD được theo dõi cân nặng 1 tháng/lần; trên 95% trẻ em từ 6-60 tháng tuổi và trên 90% bà mẹ sau sinh trong tháng được uống vitamin A; 100% trẻ em SDD cấp tính nặng, vừa được khám sàng lọc và hỗ trợ điều trị bằng sản phẩm giàu năng lượng (HEBI) tại nhà.

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch cho cả giai đoạn 2022-2026 là 74,844 tỷ đồng; trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia 12,002 tỷ đồng và kinh phí tỉnh hỗ trợ 62,842 tỷ đồng.