Thời của du lịch nông nghiệp

Những ngày này, trong lúc chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn của khủng hoảng kinh tế, người Mỹ hay nhắc đến từ “du lịch nông nghiệp” (agritourism), bởi đây dường như là chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cổng mới cho những người nông dân Mỹ.

Mỗi buổi sáng, Jim Maguire vắt sữa cừu, dê và cho heo ăn trước khi đi làm nhân viên bảo vệ ở hạt San Luis Obispo, bang California. Chị Christine - vợ anh - ở nhà làm phô mai và trông nom gia súc. Nhưng thời gian gần đây, chị có thêm nhiều “việc vặt” như thay khăn trải giường, lo ăn uống cho những vị khách từ dịch vụ “bed and breakfasts” để cải thiện cuộc sống đã trở nên chật vật trong những năm qua.

Mặc dù khu nhà khách 2 phòng ngủ Rinconada Dairy của họ được cải tạo từ khu chuồng trại gia súc, nhưng khoản thu nhập kiếm từ những “việc vặt” cho khu này cũng đủ giúp hai vợ chồng trang trải tiền thức ăn gia súc, một trong những khoản chi phí lớn nhất của một nông trại.

“Bed and breakfasts”- nôm na là lo cho du khách nơi ăn, chốn ở, tham quan và tham gia các hoạt động ở trang trại. Dịch vụ này đang nở rộ khắp các vùng nông thôn trên nước Mỹ, bên cạnh những công việc truyền thống như trồng trọt và chăn nuôi. Du khách rất thích hình thức này, vì họ được tận hưởng được một cuộc sống nông thôn với thực phẩm tươi sống, không khí trong lành và không có stress, thậm chí có khi còn được cưỡi ngựa, săn bắn…

Thực ra, du lịch nông nghiệp không phải là ngành nghề mới mẻ, vì nó đã có mặt ở vùng nông thôn nước Mỹ từ năm 2002. Tuy nhiên, lúc đó nó còn khá hiếm và thu nhập của nông dân nhờ vào ngành nghề thấp hơn nhiều so với thời điểm hiện nay.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính năm nay, thu nhập từ nguồn chăn nuôi và trồng trọt của một hộ nông dân chỉ chiếm khoảng 13% trong tổng thu nhập trung bình của họ (theo New York Times). Phần lớn khoản thu nhập còn lại là kiếm được từ nguồn thu du lịch nông nghiệp. Mỗi năm, dịch vụ “bed and breakfasts” đã giúp cho mỗi hộ nông dân kiếm thêm khoảng 24.300 USD.

California, tiểu bang có diện tích nông nghiệp lớn nhất ở Mỹ, một trong những bang đi đầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, với gần 700 hộ nông dân có mức thu nhập trung bình từ dịch vụ làm thêm này khoảng 50.000 USD mỗi năm. Kể từ khi khai trương vào tháng 6 năm ngoái, đến nay website quảng cáo du lịch nông nghiệp Farm Stay US đã có 900 nông trại trên khắp nước Mỹ tham gia.

Nước Mỹ không chỉ là cường quốc công nghiệp số 1 mà còn là nước nông nghiệp phát triển bậc nhất toàn cầu. Vậy mà cuộc khủng hoảng kéo dài 3 năm qua đã đẩy người nông dân Mỹ đến cảnh không đủ sống, chứ đừng nói đến chuyện làm giàu bằng chính nghề nông của mình.

Nếu trong hành trình đi dọc nước Mỹ vào cuối năm 2008, tác giả Nguyễn Việt Hùng “đã gặp những người nông dân Mỹ chính hiệu, một người làm mà đủ nuôi cả một gia đình sống sung túc, có thu nhập tới 90.000 USD sau thuế mỗi năm” thì hiện nay, người nông dân không thể trụ vững nếu không dựa vào các khoản thu nhập khác ngoài việc đồng áng.

Suy cho cùng, trào lưu du lịch nông nghiệp được hun đúc từ người thành thị, những người muốn tận hưởng cuộc sống thôn dã, nhàm chán với những chuyến du lịch theo công thức nắng vàng, biển xanh và những rặng dừa…

Nguồn Báo SGGP