Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ

Xác định giao thông “đi trước mở đường” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), những năm qua, tỉnh ta chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường kết nối giữa các địa phương và hình thành liên kết vùng, tạo sức bật trong thu hút đầu tư.

Những năm gần đây, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển, phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH; đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện giao thương thuận lợi liên vùng và kết nối Ninh Thuận với TP. Hồ Chí Minh đó là tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm- Vĩnh Hảo đang được trung ương đầu tư kết nối với toàn tuyến. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh dài 61,5 km, đang được triển khai thi công khẩn trương để hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023.

Dự án Đường đôi phía Nam vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đang trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh: T.D

Cùng với đó, tỉnh cũng đang triển khai đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm về giao thông nhằm từng bước hoàn thành đường vành đai phía Bắc của tỉnh, đường kết nối tuyến đường ven biển với Quốc lộ 1A (dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải) và tuyến đường kết nối liên vùng Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa. Hiện nay, tuyến đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đến Tà Năng (Đức Trọng - Lâm Đồng) cũng đang được khẩn trương thi công để sớm đưa vào khai thác. Đường có tổng chiều dài tuyến khoảng 61 km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; trong đó có 43,7 km qua địa bàn các xã: Quảng Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới thuộc huyện Ninh Sơn và khoảng 17,3 km qua huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đến nay dự án thành phần 1 từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới dài 22,3 km đã cơ bản hoàn thành các hạng mục nền móng đường, các công trình cầu cống trên tuyến; một số đoạn đã rải thảm bê tông nhựa, ước đạt 50% khối lượng; giải ngân đạt 65% vốn đầu tư công được giao năm 2022. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - đơn vị chủ đầu tư, dự án khi được đầu tư hoàn thiện sẽ tạo mạng lưới giao thông thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của hai tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận; tuyến đường cũng phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng yếu của các địa phương trong vùng; giải quyết tình trạng ách tắc của các xe có tải trọng lớn, xe container lưu thông trên đèo Ngoạn Mục, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa; nâng cao hiệu quả quỹ đất hai bên đường, khai thác tiềm năng du lịch và tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.

Một dự án giao thông đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển du lịch và hướng phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, đó là Dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải kết nối Quốc lộ 1 với đường quốc phòng ven biển (Đường tỉnh 701) có chiều dài 13,077 km, qua địa phận huyện Thuận Nam và Ninh Phước, với tổng mức đầu tư 372,5 tỷ đồng; đường có thiết kế độ rộng mặt đường từ 17-21 m, gồm 4-6 làn xe, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng cấp cao A1, cho phép phương tiện có thể chạy với vận tốc đạt 80 km/h. Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, hiện nay các nhà thầu và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa công trình vào sử dụng, qua đó góp phần hình thành một mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, giúp giao thương thuận tiện, an toàn và mở ra hướng phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Đẩy nhanh thi công các tuyến đường, sớm đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển và kết nối vùng.

Sau gần 2 năm thi công, tuyến đường đôi phía Nam vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm dài 2,5 km, với tổng mức đầu tư 503,8 tỷ đồng cũng đang gấp rút hoàn thành các hạng mục hoàn thiện cuối cùng, phấn đấu đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10/2022. Hiện nay đơn vị thi công đang tiến hành lát đá vỉa hè, trồng cây xanh tạo cảnh quan, đấu nối hệ thống đèn chiếu sáng. Với sự đầu tư bài bản, con đường mới đã làm cho “cửa ngõ” phía Nam vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở nên khang trang, hiện đại với diện mạo mới.

Song song với đầu tư phát triển các tuyến đường trọng điểm, tỉnh còn quan tâm phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ được phân bổ hằng năm, Sở Giao thông vận tải còn tổ chức triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo trì kịp thời các tuyến đường, đảm bảo chất lượng thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tạo động lực thúc đẩy KT-XH vùng nông thôn, nhất là khu vục các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nhờ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương, phục vụ phát triển sản xuất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Sở cùng các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình; duy tu sửa chữa, khắc phục các tuyến đường xuống cấp, hư hỏng, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường. Rà soát bổ sung, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các biển báo hiệu đường bộ bị hư hỏng, cắt tỉa các cây xanh đảm bảo tầm nhìn của phương tiện tham gia giao thông; xử lý, khắc phục các vị trí mất an toàn giao thông trên các tuyến đường. Trong thời gian tới, để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng liên thông đa mục tiêu, tỉnh chủ trương tập trung phát triển giao thông nội tỉnh kết nối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, tuyến đường ven biển. Theo đó, đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành trung ương tiếp tục cấp vốn đầu tư hoàn thành các dự án. Mặt khác, huy động các nguồn vốn từ các chương trình dự án, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Trong xu thế phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm phát triển mạng lưới giao thông, tăng mật độ kết nối, chiều dài tuyến và chất lượng giao thông đường bộ. Tập trung nâng cấp, đầu tư mở rộng một số tuyến đường phục vụ khai thác tiềm năng của tỉnh, mở rộng không gian và kết nối phục vụ phát triển công nghiệp, năng lượng; các khu vực dân cư, đô thị để phát triển dịch vụ thương mại, du lịch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 175,5 km, gồm: Tuyến Quốc lộ 1A dài 64,5 km, Quốc lộ 27 dài 66 km và Quốc lộ 27B dài 44 km. Bên cạnh đó, cấp tỉnh quản lý 14 tuyến đường với tổng chiều dài 321,019 km, trên 340 km đường giao thông đô thị và khoảng 476,68 km đường liên xã; tổng chiều dài của các tuyến đường bộ trong tỉnh đã tăng lên trên 1.500 km. Nhìn chung, hạ tầng giao thông tỉnh đang từng bước hoàn thiện, tạo liên kết giữa các vùng miền; sẵn sàng kết nối tiềm năng, lợi thế; đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu nhà đầu tư. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu xây dựng mới 107,15 km đường giao thông, nâng chiều dài tuyến đạt 1.531 km và đến năm 2030 toàn tỉnh đạt được 1.845 km đường giao thông chính.