Vì mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành địa phương có môi trường đầu tư tốt của cả nước

(Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Tại Hội thảo “Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 và đối thoại các doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận”)

...Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) công bố hàng năm được tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm, xem đây là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành nền kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp và môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành trong cả nước, nhằm có giải pháp điều chỉnh thích hợp trong chiến lược phát triển của mình.

Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) Ninh Thuận đi vào hoạt động trong năm 2010, góp phần
thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ EDO hướng dẫn
các doanh nghiệp lập thủ tục cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Long

Nhận thức rõ tầm quan trọng của điều này, ngay từ đầu năm 2010, UBND tỉnh đã phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo về chỉ số PCI tại tỉnh, đồng thời đã ban hành Chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với các giải pháp và kế hoạch triển khai cụ thể, tập trung khắc phục ngay các lĩnh vực có liên quan đến những chỉ số thành phần của PCI có điểm số và xếp hạng thấp, với quyết tâm đưa Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI giai đoạn 2011-2015.

Kết quả PCI năm 2010 tỉnh Ninh Thuận mặc dù đã được cải thiện từ vị trí 48/63 của năm 2009, lên mức 41/63 tỉnh, nâng lên 7 bậc, xếp vào nhóm các tỉnh có chỉ số PCI khá trong năm 2010 vừa được VCCI công bố tháng 3-2011. Tuy chưa đạt được mức kỳ vọng của tỉnh, nhưng đây là kết quả không nhỏ và là bước tiến quan trọng, tạo đà cho các năm tiếp theo và điều quan trọng hơn cả là cách thức để đạt được mục tiêu đó.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Trong điều kiện xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn và hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp, môi trường đầu tư kém cạnh tranh, GDP bình quân đầu người mới hơn 50% mức bình quân cả nước,.... Ninh Thuận xác định cần phải có cách tiếp cận mới, hướng đi riêng, tạo sự khác biệt mang tính cạnh tranh cao, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước, trong đó tập trung 3 nhóm giải pháp cơ bản sau:

- Trước hết là chiến lược và Quy hoạch: Để phát triển nhanh và bền vững chúng ta không thể vừa đi vừa ngoái lại, vừa làm vừa xây dựng và điều chỉnh. Do đó, việc lựa chọn và quyết định con đường đi của mình đi đến đâu và bao giờ đến là hết sức quan trọng, và việc đầu tiên là phải xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài (Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh) để thực hiện điều này với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”. Phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế sạch, gắn với yếu tố bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo triển khai xây dựng các quy hoạch chi tiết cho ngành, lĩnh vực, sản phẩm và các huyện, thành phố nhằm tăng cường tính thống nhất, công khai, minh bạch; giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thông tin về quy hoạch, đất đai.

- Thứ hai, là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Về hạ tầng tập trung phát triển các tuyến đường giao thông kết nối vùng để tận dụng khai thác lợi thế về hạ tầng cảng biển, sân bay của các tỉnh trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, mà trọng tâm là tuyến đường ven biển dài 116 Km, đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cùng với việc mở rộng nâng cấp tuyến đường cao tốc từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh, khai thác lợi thế của vùng, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nhất là chuẩn bị cho việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Về phát triển nguồn nhân lực, với mục tiêu là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên một số lĩnh vực tỉnh có lợi thế, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp Nghề lên thành Trường Cao đẳng Nghề, hiện tỉnh đang triển khai liên kết với các Trường đại học, các Trung tâm đào tạo có thương hiệu, có uy tín trong và ngoài nước để thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không những cho tỉnh mà cả khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, nhất là đáp ứng nhu cầu đào tạo tại chỗ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Nhờ các nỗ lực trên, chỉ số về đào tạo lao động của tỉnh trong năm 2010 cũng đã có những bước tiến quan trọng tăng 9 bậc so năm 2009.

- Thứ ba, là tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo sự thuận lợi theo hướng minh bạch, thân thiện, ổn định và có thể dự báo được.

Nhằm tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (gọi tắt là EDO), chính thức đi vào hoạt động ngày 19/3/2010. Đây là mô hình mới, duy nhất trên cả nước, được xây dựng trên cơ sở ý tưởng của tư vấn Monitor và mô hình Cơ quan phát triển kinh tế (EDB) của Singapore. Đội ngũ công chức của EDO được tập huấn trang bị kiến thức do Tập đoàn Monitor tổ chức tại tỉnh và tại Singapore.

EDO là đầu mối duy nhất của tỉnh trong vận động thu hút đầu tư, kể cả FDI và các nguồn vốn ODA, NGO, đồng thời tiếp nhận và xử lý các hồ sơ dự án đầu tư từ khâu đăng ký ban đầu, đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án của các nhà đầu tư, với quan điểm là “phục vụ và để phục vụ” coi thành công hay thất bại của nhà đầu tư là thành công hay thất bại của chính mình. Kết quả hoạt động của EDO hơn một năm qua đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Với cách tiếp cận mới, với tư duy mới và tầm nhìn mới, sự đổi mới và khác biệt mang tính cạnh tranh, Ninh Thuận xác định mục tiêu phấn đấu vào tốp các tỉnh xếp thứ hạng cao của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trong giai đoạn 2012-2015, nhằm góp phần thu hút các nguồn lực để hiện thực hoá các mục tiêu trong chiến lược phát triển của mình. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình EDO theo hướng xây dựng EDO trở thành Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh; tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các hồ sơ theo quy trình “một cửa liên thông”, từng bước xây dựng EDO theo mô hình “một cửa điện tử hiện đại”, để trở thành mô hình tốt nhất có thể...

Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:

TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI LÀ LĨNH VỰC QUAN TRỌNG GÓP PHẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA TỈNH

Qua phân tích của VCCI, tỉnh ta có 5 chỉ số thành phần PCI còn thấp. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm khác nhau, thực tế việc tiếp cận đất đai trong năm 2010 ở tỉnh ta đã chuyển biến mạnh mẽ; chi phí, thời gian cũng đã chuyển biến rõ rệt, các thủ tục trên lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đã rút ngắn đáng kể thời gian. Trong tình hình hiện nay, các sở, ngành, chính quyền phải đồng hành với các doanh nghiệp, cùng nỗ lực để tiến tới hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt phải quan tâm thấu đáo đến bảo vệ môi trường.

Trong các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh, theo tôi, vấn đề tiếp cận đất đai là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng rất cần có sự chỉ đạo thống nhất chung trong cả nước. Cùng với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển của tỉnh, nếu được VCCI giúp kêu gọi các doanh nghiệp đầu đàn, lớn mạnh đầu tư vào, tỉnh ta sẽ có đầu tàu kéo nền kinh tế bật dậy, vươn lên theo mục tiêu đã quy hoạch.
Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư:

PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2015, TỈNH TA ĐỨNG TRONG TOP DẪN ĐẦU VỀ CHỈ SỐ CPI

So với yêu cầu, chỉ số năng lực cạnh tranh ở tỉnh ta vẫn còn ở mức thấp và tác động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội chưa nhiều. Trước tình hình đó, nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, cùng với việc thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp và nhờ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giúp tổ chức hội thảo về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu là nhằm tập trung khắc phục ngay các lĩnh vực có điểm số và xếp hạng thấp trong chỉ số PCI, phấn đấu đến năm 2015 đưa tỉnh ta vào top các tỉnh dẫn đầu về chỉ số PCI của cả nước.
Ông Hà Anh Quang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ:

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

“Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và vị thế cạnh tranh của tỉnh” là mục tiêu quan trọng của chúng tôi. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt, tất cả các thủ tục hành chính có quan hệ giữa Nhà nước với công dân và doanh nghiệp đều thực hiện theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” theo đúng quy định của Chính phủ; tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng trong hoạt động của cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, đồng thời ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính,…
Ông Đoàn Hạnh Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh:

SỚM TRIỂN KHAI HÌNH THỨC THUẾ QUA MẠNG

Để giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, giảm chi phí, tự chủ tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ thuế; góp phần cải thiện từng chỉ số thành phần, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Cục Thuế tỉnh đã kiến nghị Tổng cục Thuế sớm triển khai hình thức khai thuế qua mạng (dự kiến tháng 7 năm nay) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc gửi hồ sơ thuế mà không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan thuế. Đồng thời kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách thuế, đơn giản hóa các loại hồ sơ, thủ tục trong lĩnh vực thuế. Cục Thuế sẽ kết nối với Kho bạc trao đổi thông tin thu, nộp thuế của doanh nghiệp, tiến tới mở rộng các điểm thu nộp thuế ngay tại hệ thống các ngân hàng thương mại nhằm giảm áp lực cho hệ thống Kho bạc và giảm chi phí đi lạicho doanh nghiệp trong quá trình thu nộp tiền thuế.