Chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Bài 1:Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua các cơ quan, đơn vị, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thực hiện chủ trương về phát triển thương mại điện tử và phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Cổ phần Base.vn (đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần FPT) triển khai “Chương trình hỗ trợ Chuyển đổi số doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận thông tin, đăng ký tham gia các hội nghị, hội thảo, giao thương trực tuyến. Trong thương mại điện tử, đã có 31 doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử như sàn Sendo, Voso, Postmart. Bước đầu đã có nhiều giao dịch thành công và dần nâng cao giá trị giao dịch. Hiện nay Cục Xúc tiến thương mại đang tiếp tục triển khai hỗ trợ các sản phẩm lên các sàn khác theo thứ tự ưu tiên. Kinh tế số bước đầu cũng đã hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế và dịch vụ, du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Xã hội số cũng được thể hiện rõ trên lĩnh vực giáo dục, thông qua việc triển khai xây dựng và thực hiện các phương án tổ chức dạy học ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch COVID-19. Năm 2021 tỉnh đã thực hiện đầu tư và triển khai các phần mềm hỗ trợ giáo dục và dạy học: Phần mềm soạn thảo bài giảng áp dụng theo mô hình STEM, quản lý ngân hàng đề thi, thiết kế giáo án điện tử, phần mềm phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, quản lý giáo dục, phần mềm tăng cường tiếng việt, quản lý tuyển sinh, học liệu điện tử, quản lý văn bằng, chứng chỉ. Từ chương trình “Máy tính cho em”, các nhà hảo tâm đã quyên góp, ủng hộ số tiền gần 1,34 tỷ đồng để mua sắm thiết bị hỗ trợ các học sinh diện khó khăn. Thực hiện dạy học ứng phó dịch COVID-19, đã có 149 trường (đạt 67,1%) thực hiện dạy trực tuyến, với trên 98,7 ngàn học sinh (73,9%) học trực tuyến.

Cán bộ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết kịp thời hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực y tế, tỉnh đã triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ thôn tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 như: Ứng dụng Ncovi, hệ thống tiêm chủng, sổ theo dõi sức khỏe; xét nghiệm và trả kết quả qua QR, khai báo y tế qua các nền tảng, hệ thống truy vết, hệ thống cách ly y tế tại nhà, bản đồ nguy cơ lây nhiễm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh, quản lý bệnh viện theo hướng bệnh viện thông minh, lưu trữ dữ liệu khám, chữa bệnh, triển khai bệnh án điện tử, bệnh án nội trú, thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình của Bộ Y tế. Các bệnh viện cũng đã triển khai, phát hành thẻ khám bệnh thông minh, các hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Ngoài ra, còn triển khai đăng ký khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên.

Thời gian qua, với việc vận hành Hệ thống phản ánh hiện trường, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.080 phản ánh về thông tin liên quan dịch COVID-19, Chuyên mục hỏi - đáp của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã xây dựng ứng dụng dùng chung thống nhất phục vụ chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng di động (Ninhthuan- Smart). Về hạ tầng và nền tảng số xã hội, toàn tỉnh có 680.283 thuê bao điện thoại, đạt mật độ 115 thuê bao/100 dân; tổng số thuê bao Internet băng rộng trên toàn tỉnh là 324.475 thuê bao và Internet băng rộng di động là 240.546 thuê bao; mật độ Internet trên toàn tỉnh đạt 95 thuê bao/100 dân.

Theo ông Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh thực hiện kinh tế số, xã hội số bên cạnh công tác tuyền truyền cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân hiểu về ý nghĩa tầm quan trọng của chuyển đổi số, tỉnh sẽ thành lập và triển khai hoạt động mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số, kinh doanh số trong tỉnh; triển khai hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Xây dựng các quy định, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển xã hội số, chuyển đổi số cho người dân. Triển khai thí điểm mạng 5G, số hóa hạng mục dữ liệu đưa vào trung tâm dữ liệu theo dạng mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng và triển khai các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện tử, dịch vụ y tế số cho người dân.

(mời xem tiếp kỳ sau)
-----------------------------------
Bài cuối: Phát triển chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp