Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN) giai đoạn 2016-2020, đến nay ngành CN của tỉnh có bước phát triển khá, đã hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, trong điều kiện có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế, hạn hán và đặc biệt là sự bùng phát dịch COVID-19, nhưng giá trị sản xuất CN của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Một số ngành CN chủ lực, CN có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất CN năm 2020 ước đạt 9.533 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 13,3%/năm. Trong đó, tốc độ tăng năm 2020 tăng 28,74% so năm 2019, tốc độ tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn, nhờ định hướng phát triển đột phá năng lượng tái tạo.

Công ty TNHH May Tiến Thuận chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Ảnh: H.Nguyệt

Đạt được kết quả đó là nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phát triển ngành CN có lợi thế theo hướng hội nhập, thân thiện môi trường. Một số doanh nghiệp chế biến đã đầu tư đổi mới đồng bộ hóa thiết bị, công nghệ tạo sản phẩm chất lượng cao như dây chuyền sản xuất đồng bộ Carageenan của Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải; dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cây nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt... Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu đảm bảo phát triển CN chế biến có lợi thế, tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, với 12 cánh đồng lớn như mía, lúa, măng tây xanh, bắp, vùng nguyên liệu nho rượu. Ngoài ra, sử dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương đã thu hút đầu tư phát triển 11 dự án CN chế biến, góp phần tạo năng lực mới cho ngành CN.

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất CN, quy hoạch phát triển một số ngành, sản phẩm CN có tiềm năng, thế mạnh gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quy hoạch sử dụng đất; rà soát, ban hành một số chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất CN; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu CN và một số cụm CN như: Khu CN Thành Hải, Khu CN Phước Nam, Khu CN Du Long tiếp tục đầu tư mở rộng, thu hút phát triển dự án đầu tư CN. Cụm CN Tháp Chàm, các cụm CN chế biến thủy sản tập trung Tri Hải, Lợi Hải 1, Lợi Hải 2... cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng dự án lấp đầy 100% diện tích đất CN.

Công nhân Công ty TNHH Phú Thủy chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Diệp

Với chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư phát triển CN chế biến và CN năng lượng nhằm tạo bước đột phá để phát triển KT-XH. Đến cuối năm 2020, nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, với 42 dự án, tổng quy mô công suất 2.745 MW đã đưa vào vận hành thương mại, tổng sản lượng điện phát khoảng 4.000 triệu kWh, tăng gần 3,5 lần so với năm 2015, nhờ đó đã đưa tỉnh ta vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.

Theo đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương, nhìn chung các ngành CN ưu tiên, CN mũi nhọn là những ngành đóng góp lớn cả về sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và việc làm. Để phát triển ngành CN theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, thời gian tới tỉnh chỉ đạo tập trung phát triển CN mũi nhọn, có lợi thế về tài nguyên như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, sản; các ngành có lợi thế về thị trường, lao động như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, nước giải khát. Đồng thời, tập trung hoàn thành hạ tầng, thu hút đầu tư các khu, cụm CN. Đẩy mạnh phát triển các ngành CN năng lượng, phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất CN đạt 21.711 tỷ đồng, giá trị GRDP ngành CN đạt 18.995 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,02% giá trị GRDP toàn tỉnh. Huy động các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển CN đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần phát triển KT-XH nhanh và bền vững.